Hà Nội: Tìm lời giải cho du lịch phố cổ
Cập nhật: 10/03/2011
Tới Hà Nội, hầu hết du khách đều muốn tìm hiểu, khám phá về lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội qua 36 phố phường. Tuy nhiên, để du lịch phố cổ thực sự hấp dẫn, tạo dấu ấn với du khách rất cần có những giải pháp đồng bộ.

Hiện trạng du lịch phố cổ  

Phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Tổ chức không gian khu phố cổ Hà Nội được phân chia theo dạng bàn cờ, với những thửa đất dài và hẹp, ngôi nhà ống có nhiều lớp thấp tầng với mái ngói lô xô. Cho đến hôm nay phố cổ Hà Nội còn lưu giữ nhiều di sản vật thể và phi vật thể hết sức quý giá, đó là những con phố được bắt đầu bằng chữ “Hàng”, những ngôi nhà cổ, các di tích, danh thắng ghi đậm dấu ấn về sự hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội như đền Bạch Mã, nhà 48 Hàng Ngang, nhà cổ 87 Mã Mây, Ô Quan Chưởng, đình Kim Ngân… Kể từ năm 2004, khi phố cổ Hà Nội được xếp hạng là khu di tích lịch sử quốc gia, nhiều công trình kiến trúc, đình, đền, nhà cổ được đầu tư tôn tạo đã góp phần tạo nên diện mạo mới nhưng vẫn bảo tồn được những nét đẹp truyền thống. Không chỉ có vậy, khi đến đây du khách còn được thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của Hà Nội, cùng tìm hiểu, khám phá về nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của người Tràng An qua các hoạt động: thưởng thức trà Việt, thưởng thức ca trù, nghe giới thiệu về tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, tìm hiểu về không gian, kiến trúc ngôi nhà cổ, nghề dệt lụa tại 38 Hàng Đào. Du khách có thể khám phá phố cổ trên những chiếc xích lô du lịch hay xe điện để tìm hiểu về nét đẹp, cuộc sống, sinh hoạt của người dân phố cổ.  

Theo thống kê của Sở VHTTDL Hà Nội, trong năm 2010 Hà Nội tổ chức Đại lễ, chỉ tính riêng khu vực phố cổ đã có hàng vạn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu.    

Bên cạnh sự hấp dẫn, phố cổ còn có những điều chưa thực sự làm hài lòng du khách. Điều đáng quan tâm đối với du khách là tình trạng giao thông ở khu vực này. Anh Carlo Wolf, du khách đến từ Brazil cho biết: “Đến Hà Nội, tôi thích nhất tham quan phố cổ với nét đẹp cổ kính và sự sầm uất, tấp nập rất đặc trưng. Nhưng điều làm tôi sợ nhất là mỗi khi sang đường tại khu vực này, mặc dù được hướng dẫn viên khuyến cáo là cần tuyệt đối tuân thủ đèn tín hiệu giao thông nhưng vẫn nhiều phen thót tim”. Không chỉ có vậy, trong khu vực phố cổ các phương tiện ô tô, xe máy mặc dù có sắp xếp nhưng lấn chiếm hết vỉa hè khiến cho du khách phải đi bộ dưới lòng đường. Bên cạnh đó, việc dừng đón trả khách bừa bãi của các phương tiện xích lô, xe ôm, thậm chí cả xe du lịch trong phố cổ và ở những điểm tập trung đông du khách như: Cổng đền Ngọc Sơn, Nhà hát múa rối nước Thăng Long, Hàng Đào, Mã Mây... đã góp phần tạo cho giao thông khu vực này thêm lộn xộn. Chị Chantrelle Nielson, du khách đến từ Anh tâm sự: “Tôi hết sức ấn tượng về nét đẹp cổ kính vẫn được bảo tồn trong sự phát triển. Tuy nhiên, trong phố cổ vẫn còn hình ảnh chưa đẹp như bán hàng dưới lòng đường, chèo kéo khách du lịch”.  

Cần có những giải pháp đồng bộ  

Để phát huy giá trị, khai thác thế mạnh của phố cổ trong hoạt động văn hoá cũng như du lịch cần có những giải pháp đồng bộ giữa ngành VHTTDL Hà Nội, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân trong khu vực phố cổ.  

Theo bà Trần Thúy Lan – BQL phố cổ Hà Nội: để khu vực phố cổ thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo, quy hoạch trong chiến lược xây dựng điểm đến. Trong quá trình xây dựng xây dựng các sản phẩm du lịch của phố cổ, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, người dân để đưa ra được những sản phẩm mang nét đặc trưng của phố cổ. Trong quá trình quản lý phố cổ tạo điều kiện cho du lịch phát triển, các cơ quan cũng như chính quyền địa phương cần có cơ chế đặc thù cho vấn đề bảo đảm an toàn giao thông; kiên quyết xử lý kịp thời tình trạng bán hàng rong, lôi kéo khách, ăn xin, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; sắp xếp, quy định lại nơi để xe máy, ô tô, xích lô, làm các biển chỉ dẫn, nghiên cứu để xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trong phố cổ. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền; “Để cho du khách hiểu sâu về Hà Nội nói chung và phố cổ nói riêng, cần chú trọng tới việc đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt quan trọng là đội ngũ hướng dẫn viên. Đây là những người trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn khách, đòi hỏi lực lượng này phải có kiến thức chuyên sâu nhiều các lĩnh vực. Theo tôi, để giúp du khách hiểu sâu về phố cổ, tuỳ vào đối tượng khách có thể mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giới thiệu, hướng dẫn giúp cho khách hiểu thêm về những giá trị của phố cổ”.  

Hy vọng, với sự quan tâm của Nhà nước,sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cùng với những giải pháp nêu trên phố cổ Hà Nội sẽ phát huy giá trị, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách khi đến thăm Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.  

Báo Du lịch