Ông Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, một trong những phương pháp quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể là truyền nghề.
Phát huy lợi thế này, trong 10 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, phục hồi, dàn dựng được hơn 30 nhạc chương trong các lễ tế, 40 nhạc khúc được diễn tấu với nhiều loại tiểu nhạc, đại nhạc, gần 20 điệu múa cung đình và 3 vở tuồng cổ đáp ứng cho các lễ hội và giao lưu văn hóa.
Nghệ nhân Trần Kích là một trong những cây "đại thụ" của Nhã nhạc Huế vừa mất ở tuổi 90. Trước khi đi xa, ông đã kịp truyền dạy những nốt nhạc cống-sự-xàng-xê - cách ký âm của Nhã nhạc Huế cho đời sau. Nghệ nhân Trần Kích chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm nhị, nguyệt, tỳ, bầu, sáo... Với ông, âm thanh réo rắt của cây đàn Huế có sức thu hút mãnh liệt, chuyển tải được cái sâu lắng của giai điệu âm nhạc Huế. Ông tham gia chơi nhạc cho cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc đệm cho ca Huế.
Ông còn tự làm những cây kèn, cây đàn nhị độc đáo của Huế, để sử dụng và cung cấp cho học trò. Ngón đàn của ông, nhất là đàn nhị, đàn bầu hơi kèn trau chuốt, sang trọng đã mê hoặc bao người. Ông đã được Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp phong tặng Hiệp sỹ Văn hóa và Nghệ thuật vì đã có những cống hiến to lớn trong việc gìn giữ và quảng bá Nhã nhạc Huế - di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Giáo sư Trần Văn Khê trong một lần xem ông biểu diễn tại Paris (Pháp) trước đây, đã xúc động nói với ông: "Tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều nghệ sỹ biểu diễn nhưng cái thần, cái hồn của các nhạc cụ như đàn nhị, sáo, kèn, đàn nguyệt, đàn bầu... khi được anh biểu diễn thì nó như được nâng lên một tầm cao mới của nghệ thuật và tất cả âm thanh ấy không thể lẫn vào đâu được".
Hiện người con trai duy nhất của nghệ nhân Trần Kích - nhạc sỹ Trần Thảo - đã nối nghiệp cha chơi được các loại sáo, kèn, nguyệt, nhị, bầu, trống... và trở thành giảng viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
Ở Huế, không còn nhiều những nghệ nhân nhã nhạc vì phần lớn họ đều ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm."
|
Hai anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử, những nghệ nhân cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh |
Hai anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử, những nghệ nhân cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh, dưới triều Vua Bảo Đại xưa nay cũng đã xấp xỉ trên dưới 100 tuổi.
Cụ Lữ Hữu Thi nổi bật và tài ba với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp; tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại bay bổng trong các ca đoạn Nam ai, Nam Bình, trong Đăng Đàn cung.
Cụ Cử chơi được nhiều loại nhạc cụ như kèn, sáo (địch), đàn nhị… Từ năm 17 tuổi, tiếng đàn, tiếng sáo của cụ qua các vở "Tam Quốc," "Lưu Bình - Dương Lễ"... đã thu phục được lòng người, chính thức đưa ông đến với đội nhạc Hòa Thanh và gắn bó với đội nhạc cung đình cho đến ngày Bảo Đại thoái vị.
Cụ Cử cũng là người đa tài vì thế dưới thời Bảo Đại, cụ được triều đình rất trọng dụng. Hiện nay, cả hai anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử được xem như "báu vật nhân văn sống" của nhã nhạc Huế.
Các cụ còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình, trong đó có những bài có nguy cơ thất truyền.
Ngoài việc truyền nghề, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tích cực tổ chức dàn dựng và biểu diễn, từng bước đưa Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) tiếp cận với khách du lịch và công chúng.
Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) hiện quy tụ được hơn 170 nghệ sỹ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học, lấy Duyệt Thị Đường (Đại nội-Huế) làm nơi biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Mỗi năm, nhà hát đã thu hút được 42.000 lượt đến 50.000 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài đến thưởng thức bộ môn nghệ thuật này, với doanh hàng tỷ đồng.