Đêm 25/7/2007, tại sân vận động tỉnh Quảng Trị, Lễ hội văn hoá du lịch Nhịp cầu xuyên Á lần II đã chính thức khai mạc. Các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương, doanh nhân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và đông đảo nhân dân địa phương tới dự.
Ba năm một lần, Lễ hội văn hoá du lịch Nhịp cầu xuyên Á được tổ chức tại Quảng Trị. Lễ hội này đã trở thành thương hiệu của Quảng Trị nói riêng và của các tỉnh miền Trung nói chung. Nó có sức lan toả không chỉ ở trong nước mà cả ở các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.
Chương trình nghệ thuật Lễ hội nhịp cầu gồm 3 phần. Phần 1 có tên gọi "Quảng Trị trên con đường Di sản miền Trung" với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật mang đậm nét văn hoá của từng vùng miền như hoà tấu đàn Tranh Nét Huế; Giã gạo đêm trăng, tình ca sông Hãn non Mai… Phần 2: "Vòng tay bè bạn" với sự tham gia biểu diễn nghệ thuật của các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Trung Quốc. Ấn tượng và đặc sắc nhất là tiết mục múa Hội hoa đăng của Đoàn Ca kịch Hoa Đăng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Và phần 3 là "Thạch Hãn gọi Mê Kông".
Trong khuôn khổ của Lễ hội văn hoá du lịch Nhịp cầu xuyên Á, hàng loạt các hoạt động lớn đã và đang diễn ra ở Quảng Trị. Liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương; các hoạt động thể thao; thể thao biển; Thi thả diều; Hội chợ triển lãm quốc tế Nhịp cầu xuyên Á; Hội thảo "Du lịch Quảng Trị - Hội nhập và phát triển… Đặc biệt là Lễ Tri ân tháng Bảy diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 vào tối 27/7 lồng vào Lễ hội văn hoá du lịch Nhịp cầu xuyên Á tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt trong tháng 7 ở Quảng Trị.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Phúc nhấn mạnh: "Quảng Trị sẽ để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng bạn bè, sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách trong và ngoài nước. Lễ hội văn hoá du lịch Nhịp cầu xuyên Á sẽ là điểm hẹn định kỳ 3 năm 1 lần không thể thiếu để các địa phương trên trục đường xuyên Á và các tỉnh miền Trung Việt Nam có cơ hội giao lưu, hợp tác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương mình.