Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh: Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các đề án khu di tích lịch sử, văn hoá, du lịch tại Tây Ninh
Cập nhật: 19/05/2011
Trong chương trình hành động của ông Hoàng Tuấn Anh, UVTƯ Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, được Hội đồng bầu cử Trung ương giới thiệu về ứng cử ĐBQH tại đơn vị số 1 tỉnh Tây Ninh, có nhấn mạnh: “Tây Ninh là vùng đất cách mạng, nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng và nhiều di tích lịch sử - văn hoá, danh lam nổi tiếng cả nước. Trước mắt, Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh tập trung ở khu di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tiến hành khảo sát, quy hoạch và tham mưu với Chính phủ để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các hạng mục đã quy hoạch.

Ứng cử viên ĐBQH Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiếp xúc cử tri

Trong năm nay, Bộ sẽ chỉ đạo cho các Cục, Vụ chuyên môn xuống giúp tỉnh và sẽ hỗ trợ một phần kinh phí trong chương trình mục tiêu của những năm tới”. Nhân đợt tiếp xúc cử tri vận động bầu cử những ngày gần đây, ông Hoàng Tuấn Anh đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh về các nội dung sau:


PV: Thưa ông! Là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, được Hội đồng bầu cử Trung ương giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII tại tỉnh Tây Ninh, xin ông cho bạn đọc Báo Tây Ninh biết vài nhận xét khái quát về đời sống văn hoá cơ sở ở Tây Ninh?

- Ông Hoàng Tuấn Anh: Nhìn chung, những năm qua, đời sống văn hoá cơ sở ở Tây Ninh ngày càng được nâng cao. Hệ thống thư viện công cộng từng bước được củng cố. Hệ thống tủ sách cơ sở phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hoạt động phát hành phim, chiếu bóng, tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ cơ sở và biểu diễn giao lưu ngoài tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán thính giả và nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân lao động. Hoạt động thông tin cổ động, hội thi, hội diễn tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt và vượt kế hoạch năm. Tây Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hoá, gắn với nhiều hoạt động lễ hội. Các hoạt động lễ hội ở Tây Ninh được tổ chức đúng theo quy định của pháp luật, góp phần giáo dục, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng của dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Tây Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu về gia đình văn hoá, ấp (khu phố) văn hoá, xã (phường, thị trấn) văn hoá đạt theo kế hoạch tỉnh đề ra. Đến cuối năm 2010, có 92% số hộ dân trong tỉnh đạt chuẩn gia đình văn hoá; 83% số ấp (khu phố) được công nhận ấp (khu phố) văn hoá và đã có 17 xã (phường, thị trấn) của tỉnh được công nhận xã văn hoá.

PV: Xin ông cho biết cảm tưởng về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh?

- Ông Hoàng Tuấn Anh: Tây Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch. Trong đó có các khu du lịch nổi tiếng, những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Khu di tích lịch sử văn hoá tâm linh núi Bà Đen; Khu di tích lịch sử cách mạng Trung ương Cục miền Nam; Khu du lịch hồ Dầu Tiếng; Toà Thánh Tây Ninh; Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Bên cạnh đó, Tây Ninh còn có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát và 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới hơn 240km để phát triển kinh tế biên mậu, phục vụ mua sắm của du khách. Về thiên nhiên Tây Ninh cũng rất thuận lợi, trên địa bàn tỉnh ít bị ảnh hưởng của thiên tai, đất đai của Tây Ninh bằng phẳng thích nghi nhiều loại cây trồng, trong đó có nhiều cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Con người Tây Ninh chịu khó, chăm chỉ và đặc biệt là có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu quê hương, đất nước… Đó là “nguồn vốn quý” để Tây Ninh đầu tư phát triển du lịch.

PV: Với cương vị là Bộ trưởng, trong thời gian tới ông sẽ có những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ cho Tây Ninh trên lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch?

- Ông Hoàng Tuấn Anh: Tôi sẽ chỉ đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện chuyên môn của Bộ hỗ trợ mạnh mẽ cho Tây Ninh tập trung vào một số công việc sau đây: Chỉ đạo Tổng cục Du lịch hỗ trợ tỉnh Tây Ninh nhanh chóng lập quy hoạch du lịch toàn tỉnh, chú trọng đến quy hoạch các khu du lịch trọng điểm; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành: Đẩy mạnh tiến độ xây dựng Đề án Khu di tích lịch sử văn hoá-tâm linh núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu du lịch hồ Dầu Tiếng… Bộ sẽ  phối hợp và hỗ trợ tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến, quảng bá hình ảnh Tây Ninh đối với bạn bè trong nước và quốc tế, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế. Lãnh đạo Bộ cũng kiến nghị tỉnh Tây Ninh quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư, có cơ chế thông thoáng, nhanh gọn để các nhà đầu tư đến khai thác tiềm năng du lịch của Tây Ninh. Về lĩnh vực văn hoá, thông qua chương trình mục tiêu của Bộ giai đoạn 2011-2015, Bộ sẽ bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc cho đội ngũ thông tin lưu động cấp huyện, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hoá của quần chúng nhân dân; cấp thêm sách báo phục vụ cho hoạt động của hệ thống thư viện từ cấp cơ sở cho đến tỉnh; hỗ trợ, cấp thêm trang thiết bị và xây mới các nhà văn hoá ở cơ sở. Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cách mạng Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Về lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT), tôi sẽ chỉ đạo Tổng cục TDTT lập kế hoạch triển khai việc bồi dưỡng thêm về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của tỉnh; hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo lớp vận động viên trẻ, vận động viên tài năng. Bộ sẽ ưu tiên đầu tư phát triển TDTT ở 20 xã biên giới và các vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường; phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang; giao cho Tổng cục TDTT nguyên cứu đề xuất hỗ trợ kinh phí xây dựng sân bãi thể thao đối với 20 xã biên giới còn nhiều khó khăn theo đề nghị của tỉnh. Trong thời gian tới thông qua chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng du lịch, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đối với các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Tây Ninh Online