Tây Ninh: Những dấu chấm son trên miền đất giàu di tích
Cập nhật: 17/05/2011
Tây Ninh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa vùng núi cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thời chiến tranh, Tây Ninh là một địa bàn chiến lược về kinh tế, quốc phòng, là căn cứ địa của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, vùng đất một thời “gian lao mà anh dũng” này đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

                    Khu du lịch núi Bà Đen
Nói đến Tây Ninh, người ta có thể liên tưởng ngay đến núi Bà Đen- ngọn núi cao nhất Nam Bộ, đến Tòa thánh- cơ sở thờ tự lớn nhất của đạo Cao Đài, hồ Dầu Tiếng- công trình thủy nông lớn nhất nước hoặc di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- thủ đô kháng chiến của cách mạng miền Nam…  

Những năm sau này, Tây Ninh còn được biết đến như một địa chỉ hấp dẫn, thu hút đông đảo khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan và mua sắm tại các siêu thị miễn thuế thuộc khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Những điều kiện tự nhiên và xã hội đã hình thành cho Tây Ninh những tiềm năng lớn lao, đa dạng về du lịch: du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch thương mại, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…  

Một trong những khu vực chứa đựng tiềm năng lớn nhất, quan trọng nhất của du lịch Tây Ninh hiện nay là khu di tích lịch sử văn hoá và danh thắng núi Bà Đen (đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1989).  

Núi Bà Đen cao 986m, vừa hùng vĩ, uy nghi vừa mang dáng vẻ yêu kiều, nên thơ, tựa như chiếc nón lá úp giữa đồng bằng. Cả quần thể di tích núi trải rộng trên diện tích 24km2, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và độc đáo với hệ sinh thái phong phú cùng hàng trăm hang động, chùa chiền dày dặn được hình thành từ rất lâu đời.  

Hằng năm, lễ hội núi Bà Đen - một lễ hội truyền thống có quy mô cấp quốc gia diễn ra vào đầu tháng Giêng âm lịch vừa mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại không thiếu không khí tưng bừng, sôi động của các hoạt động vui chơi, cắm trại, sinh hoạt truyền thống dành cho giới trẻ. Tất cả tạo nên sức hút mạnh mẽ  đối với khách du lịch khắp mọi miền, kể cả trong và ngoài tỉnh.  

Đến khu du lịch núi Bà Đen trong thời điểm hội Xuân tháng Giêng, có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc: từng dòng người nghìn nghịt kéo nhau vào cổng khu hội Xuân, lũ lượt qua cầu Đôi lên núi hoặc chen chúc xếp hàng tại nhà ga chờ lên cáp treo hay máng trượt. Mùa lễ hội, hệ thống cáp treo, máng trượt núi Bà hầu như hoạt động cả ngày đêm không ngừng nghỉ. Buổi tối, các khu vực quanh chân núi hầu như không còn trống chỗ nào.  

Trên lưng chừng núi, xung quanh khu chùa Phật, chùa Bà và cả chùa Hang cũng đông nghẹt người. Đó là mùa cao điểm, lượng khách tập trung nhiều nhất (thường diễn ra vào dịp trong và sau Tết). Những ngày bình thường, khách có thưa thớt hơn nhưng nhìn chung, hầu như quanh năm đều có người đến với khu DL núi Bà.  

Chỉ tính riêng trong tháng hội Xuân Tân Mão 2011, khu di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen đã đón hơn 1,4 triệu lượt khách từ khắp nơi đổ về (tăng hơn 49.000 lượt so với cùng kỳ năm trước). Tổng doanh thu các loại hình dịch vụ cho 30 ngày diễn ra hội Xuân (bắt đầu từ mùng 4 Tết) chiếm gần 15,5 tỉ, trong đó riêng tiền bán vé vào cổng là hơn 13,2 tỉ đồng.  

Điều đó phần nào đã khẳng định vị thế của khu DT LSVH núi Bà với tư cách là một trung tâm du lịch văn hóa lịch sử của tỉnh Tây Ninh- nơi luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất (90%) trong số lượng khách du lịch đến Tây Ninh nhiều năm qua.    

Với lợi thế về vị trí địa lý trong các mối quan hệ vùng: chỉ cách TP Hồ Chí Minh 100km, lại gần quốc lộ 22B- trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế, khu DL Núi Bà Đen được xác định phát triển trong mối liên kết vùng trung tâm du lịch quốc gia- quốc tế TP Hồ Chí Minh.   Đây cũng là khu vực nằm trong vùng không gian du lịch kết nối liên hoàn với các địa điểm tham quan nổi tiếng khác trong tỉnh: Tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, quần thể di tích lịch sử cách mạng miền Nam (trong đó đặc biệt là di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam), Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát… và mấy năm gần đây còn có khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn- một địa điểm vui chơi giải trí hấp dẫn, tọa lạc tại xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh.  

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tây Ninh đã từng bước đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử và xây dựng hạ tầng khu DL núi Bà Đen (nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương). Ngành văn hoá Tây Ninh đang từng bước bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu DL núi Bà Đen đến năm 2025.  

Các nhà hoạch định không giấu giếm “tham vọng” muốn biến nơi đây thành một vùng không gian du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng lý tưởng, có quy mô, tầm vóc quốc gia, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Vấn đề quan trọng trước mắt và có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của khu DL núi Bà là làm sao thu hút được các nhà đầu tư, đồng thời phải tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, có khả năng mời gọi và giữ chân khách tham quan, du lịch.  

Bên cạnh dự án quy hoạch xây dựng khu DL núi Bà Đen, hiện Tây Ninh cũng đang chuẩn bị cho dự án quy hoạch chung xây dựng phát triển du lịch khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đến năm 2030, với tổng diện tích hơn 6.400 ha, nằm ở biên giới phía Bắc của tỉnh, trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh hơn 60km.  

Khu di tích vừa có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, vừa có những ưu thế về văn hóa, du lịch đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990 và mới đây cũng đã được Bộ VHTTDL đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu di tích đặc biệt quan trọng cấp quốc gia. Điều đó sẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và tầm vóc cho một khu du lịch đã sẵn chứa hàm lượng giá trị cao về văn hoá, lịch sử, tự nhiên, môi trường…  

Nếu khu DL núi Bà Đen thu hút khách bốn phương chủ yếu bằng loại hình du lịch tâm linh, gắn liền lễ hội văn hoá thì khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam cũng hấp dẫn người dân cả nước thông qua các hình thức du lịch về nguồn. Khách đến đây gồm nhiều thành phần đa dạng: cựu chiến binh, cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên, công nhân lao động, sinh viên học sinh… Hầu hết đi thành từng đoàn. Họ đến để được tận mắt nhìn ngắm nơi ăn ở, làm việc của các vị lãnh đạo cao cấp cách mạng miền Nam một thời nằm gai nếm mật chưa xa lắm, để cùng hòa chung cảm xúc trước những giá trị truyền thống của dân tộc- về lòng yêu nước, về ý chí quật cường, về tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khó… mà cha anh đã dày công vun đắp, giữ gìn và lưu truyền đến mai sau.  

Tham quan nhà lưu niệm, thăm khu trưng bày hiện vật, vui chơi, sinh hoạt dã ngoại… ngay tại khu di tích là cách mà nhiều đoàn đã lựa chọn. Mùa lễ Tết, nhất là vào các dịp lễ kỷ niệm lớn, lượng khách đổ dồn về đây đông như trẩy hội. Cả một khu rừng ngày thường im ắng bỗng trở nên tưng bừng, xôn xao tiếng nói cười và tiếng bước chân rộn ràng theo các lối nhỏ quanh co. Những ngày cao điểm, đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh của khu di tích gần như không có thời gian để nghỉ ngơi, thậm chí có hôm phải bỏ cả bữa trưa.  

Sức hấp dẫn tự nhiên đã và đang có của khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam chính là điều kiện thuận lợi để tiến đến mục tiêu xa hơn: biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái rừng đặc trưng của vùng và quốc gia, Căn cứ vào thế mạnh sẵn có, tại đây sẽ hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm chất văn hoá về nguồn kết hợp du lịch sinh thái như: hội họp, thăm lại chiến trường xưa, tìm hiểu văn hoá lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống, trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm nghiên cứu sinh vật rừng, du lịch cuối tuần… Tất cả nhằm làm phong phú thêm các mảng màu trong bức tranh đời sống văn hoá tinh thần của mảnh đất Tây Ninh vốn giàu có di tích.  

Cùng với khu du lịch núi Bà (chưa kể một số địa điểm nổi tiếng khác), khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- cũng là một dấu chấm son trên bản đồ du lịch Tây Ninh và cả nước, đang từng bước dịch chuyển để một ngày không xa, những tiềm năng còn yên ngủ cùng thức dậy vươn mình, thật sự nên hình nên vóc, tạo điều kiện thúc đẩy sự chuyển động của nền “công nghiệp không khói” ở Tây Ninh, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng sống của người dân Tây Ninh.

Báo Văn hóa