Người xưa có câu:
“The La, lĩnh Bưởi, chổi PhùngLụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ
bên”.
Hà Nội và vùng đất ven sông Hồng là nơi có truyền thống
trồng dâu nuôi tằm, hình thành những làng dệt nổi tiếng, trong đó tiêu biểu là các
làng: Vạn Phúc, La Khê thuộc quận Hà Đông, Hà Nội.
|
Làng lụa Vạn Phúc |
Làng lụa Vạn Phúc hay còn gọi là làng lụa Hà Đông,
thuộc phường Vạn Phúc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km về phía tây.
Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng và lâu đời nhất Việt Nam.
Lụa Vạn Phúc từng được chọn để may quốc phục dưới thời nhà Nguyễn.
Theo truyền thuyết, khoảng 1.200 năm trước, bà Lã Thị Nga -
vợ của tướng quân Cao Biền nhà Đường theo chồng sang cai quản Giao Châu (tên
gọi khi đó của Việt Nam). Trong thời gian sống ở Vạn Phúc, bà đã dạy dân cách
ươm tơ, dệt lụa. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng đã tôn bà làm Thành hoàng
làng và thờ tại đình làng Vạn Phúc.
Làng Vạn Phúc nổi tiếng với nhiều sản phẩm phong phú, đa
dạng như gấm, lụa, the, sa, xuyến, băng quế, lĩnh, đoạn, đũi, sa tanh, vải...,
đặc biệt là lụa vân, loại lụa mỏng có hoa văn nổi và chìm. Để tạo ra được những
sản phẩm tơ lụa tuyệt đẹp, người thợ dệt phải thực hiện một quy trình sản xuất
phức tạp bao gồm nhiều khâu như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi. Hoạt động
của làng nghề chủ yếu tập trung vào mùa xuân và mùa hạ.
Hiện nay, ở làng Vạn Phúc có trên 100 cửa hàng bán lụa tơ
tằm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, hình thành nên ba dãy phố
lụa. Với những nét đặc trưng riêng có, Vạn Phúc đã trở thành một điểm đến quen
thuộc trong các tour du lịch làng nghề. Đến Vạn Phúc, du khách không chỉ có cơ
hội mua sắm các sản phẩm lụa Hà Đông chính hiệu mà còn được chứng kiến quy
trình làm ra tấm lụa của các nghệ nhân, đặc biệt là tại xưởng sản xuất của nghệ
nhân Triệu Văn Mão bởi chỉ xưởng của ông mới có máy dệt lụa vân – loại lụa cổ
truyền nổi tiếng nhất Vạn Phúc đã gần như bị thất truyền.
|
Làng La Khê |
Làng La Khê là một làng nghề cổ thuộc phường La
Khê. Làng nổi tiếng với nghề dệt the lụa, và có tên trong tập "Tứ quý danh
hương" (Mỗ - La - Canh - Cót).
Ban đầu, làng có tên La Ninh ("La" là lụa,
"Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi
tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Sản phẩm của làng lúc
đó vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi. Ðến đầu thế kỷ 17, một nhóm người Hoa ở
vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam, đến lập nghiệp ở đất La Khê và
đem công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. Nhờ đó, các sản phẩm dệt của
La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, bền và đẹp trở nên nổi tiếng khắp
vùng, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng.
Đến đời vua Minh Mạng (1820 - 1841), viên cai đội mãn hạn
lính nhà Nguyễn tên là Trần Quý có một mảnh gấm của nước ngoài được dệt tinh
xảo. Ông liền tìm tòi, nghiên cứu và cùng một số người thợ trong làng áp dụng
cách dệt gấm vóc. Từ đó, làng La Khê có thêm nghề dệt gấm, Trần Quý thành ông
tổ dệt gấm của làng.
Ngày nay, làng La Khê nổi tiếng với các mặt hàng truyền
thống như: the, sa, xuyến, gấm…Các mặt hàng này đều được dệt từ cùng một chất
liệu nhưng cách gieo hoa và kiểu dệt thưa, mau, gân, đố khác nhau, tạo ra những
sản phẩm phong phú, đa dạng. Những người thợ dệt the La Khê đã sáng tạo ra hơn
20 mẫu hoa văn để dệt thành những tấm vải the hoa, trong đó có những mẫu hoa
văn cầu kỳ, với họa tiết cách điệu từ những hình tượng văn hóa dân gian như:
"tứ linh" (long, ly, quy, phượng), "tứ quý" (tùng, cúc,
trúc, mai) hay hình song hạc, mây trời, hoa sen, chữ thọ...
Hà Đông từ lâu đã được coi là quê hương của tơ lụa với những
sản phẩm độc đáo và kỹ thuật dệt tinh tế. Sự hình thành và phát triển qua hàng
nghìn năm của các làng dệt Vạn Phúc, La Khê đã góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa
truyền thống đặc sắc của người Việt.
Phạm Phương (TTTTDL)