UNESCO vừa thông báo chính thức đổi tên khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên thành khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có được kết quả này là nhờ nỗ lực to lớn của cán bộ quản lý các ngành, các cấp và nhân dân địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã làm việc tích cực, hiệu quả và phối hợp đồng bộ với Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thành công.
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có 11 dân tộc anh em sinh sống và khu dự trữ sinh quyển này sẽ là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích. Đây là một mô hình phát triển bền vững hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa của các đồng bào dân tộc ít người, các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học.
|
Một đoạn sông Đồng Nai chảy qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai |
|
Một góc của khu ramsar Bàu Sấu |
Ở đây còn diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền nam Việt Nam với rất nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là loài Tê giác một sừng. Các hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn ở đây cực kỳ quan trọng với chức năng điều nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam Bộ…
Khu Ramsar Bàu Sấu rộng hơn 3.500 ha vào mùa mưa và thu hẹp khoảng 100 – 150 ha vào mùa khô nằm tập trung ở khu Nam Cát Tiên (thuộc địa bàn huyện Tân Phú) được Ban Thư ký công ước ramsar công nhận ngày 4/8/2005.
Trong thời gian tới, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai kịp thời các công việc cần làm để khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai chính thức đi vào hoạt động.