Cụm thi đua miền Đông Nam bộ (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã mở hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2011, triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh miền Đông Nam bộ: Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước.
|
Du khách quốc tế tham quan khu di tích Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) |
Có thể nói, Cụm thi đua miền Đông Nam bộ trong thời gian qua đã có những bước chuyển hiệu quả trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch. Theo đánh giá của cụm trưởng Nguyễn Quang Toản (Giám đốc Sở VHTTDL Bình Phước), ở mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng, nổi bật là lĩnh vực du lịch, toàn cụm miền Đông nam bộ đón hơn 13.531.070 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 305.780 lượt khách. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5.744 tỷ đồng. Trong đó, Bình Thuận là địa phương có doanh thu cao nhất trong lĩnh vực vực du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có lượng khách đến đông nhất của cụm. Một con số ấn tượng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Phải nói rằng, ngành du lịch của cụm miền Đông nam bộ đã góp phần rất lớn vào thành quả chung cho sự phát triển du lịch trong cả nước.
Ở lĩnh vực thể thao, đều có sự bứt phá đồng đều ở các tỉnh, bằng việc thu hút và tổ chức thành công nhiều giải thể thao lớn mang tầm quốc tế, khu vực và trong nước. Bình Thuận cũng là địa phương năng động khi đã tổ chức thành công Giải lướt ván buồm Thế giới PWA Mũi Né - Bình Thuận, Festival thuyền buồm quốc tế, Festival thuyền rồng… Thể thao thành tích cao cũng góp phần đưa Bình Dương đứng đầu trong số các tỉnh miền Đồng Nam bộ khi đã mang về 135 bộ huy chương, theo sau là Bình Thuận (102 bộ huy chương), Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng góp phần vào thành tích chung của cụm…
Điều đó cho thấy vai trò của du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Lợi ích từ du lịch mang lại ngày càng rõ nét. Chiến lược quảng bá thông qua các chiến lược, kênh truyền thông trong nước và quốc tế đã phát huy tác dụng. Việc thực hiện đồng thời, hiệu quả 3 chương trình (Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Xúc tiến du lịch quốc gia và Hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch) sẽ tiếp tục giúp ngành Du lịch phát triển bền vững và đạt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới vào năm 2015. Vậy nên, việc phát triển thế mạnh, trong nhiều lĩnh vực và biết lựa chọn cho mình những tiềm năng để vực dậy kinh tế địa phương đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế và khả năng quyết đoán của toàn cụm nói chung, và mỗi địa phương nói riêng. Địa phương nào cũng có lợi thế, nhưng phát huy lợi thế ấy như thế nào tùy thuộc vào sự năng động của địa phương đó.