Du lịch địa chất phục vụ phát triển bền vững
Cập nhật: 21/07/2011
Ngày 18/7/2011, hội nghị quốc tế lần thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Công viên địa chất và du lịch địa chất phục vụ phát triển bền vững” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Giang và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trong 7 ngày (18 - 24/7/2011) nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa Việt Nam với các nước là thành viên của mạng lưới CVĐC khu vực châu Á, khu vực châu Âu và toàn cầu. Đây cũng là dịp để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, phát triển CVĐC nhằm mở rộng mạng lưới CVĐC quốc gia trong thời gian tới; đồng thời kết nối các hình thức bảo tồn di sản, khu dự trữ sinh quyển thế giới, CVĐC quốc gia và toàn cầu ở Việt Nam nhằm khai thác một cách hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; UBND các tỉnh: Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh; tổ chức UNESCO tại Việt Nam; Hội đồng Tư vấn mạng lưới CVĐC khu vực châu Á, khu vực Châu Âu và toàn cầu cùng 170 nhà khoa học đến từ 17 quốc gia…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm và chính sách của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, hoạt động này thực sự rất có ý nghĩa, đánh dấu sự tham gia đầy đủ của Việt Nam vào mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu, khẳng định được vị thế của Việt Nam với thế giới.

Bày tỏ quan điểm của mình tại buổi khai mạc, bà Katherine Muller Marin - trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, mô hình CVĐC đặc biệt có ý nghĩa đối với khu vực nông thôn, miền núi - nơi mà đời sống của phần đông dân cư còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc thành lập CVĐC và phát triển các hình thức du lịch địa chất sẽ mang lại cơ hội phát triển bền vững mới cho cộng đồng dân cư nơi đây.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 5 chủ đề chính là: chính sách phát triển và kết nối CVĐC và du lịch địa chất; khuyến khích sự tham gia của xã hội trong phát triển CVĐC và du lịch địa chất; giới thiệu, quảng bá di sản địa chất, CVĐC và du lịch địa chất; giới thiệu về các CVĐC mới và các khu vực muốn trở thành CVĐC; CVĐC ở các vùng đá vôi. Tại buổi khai mạc, các đại biểu quốc tế cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn các di sản và phát triển sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, hội nghị còn có một số hoạt động bên lề như: hội thảo quốc gia thường niên giữa Ban Quản lý các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; diễn đàn đầu tư cho các doanh nghiệp; lớp tập huấn về di sản địa chất, CVĐC và du lịch địa chất; trao giải cuộc thi ảnh “Đối thoại với di sản địa chất”; trao giải cuộc thi “Thuyết trình hay nhất về tour du lịch địa chất”; tham quan thực địa CVĐC toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)…

Ngày 3/10/2010, tại Lesvos (Hy Lạp), cao nguyên đá Đồng Văn đã chính thức được Hội đồng Tư vấn mạng lưới CVĐC toàn cầu công nhận là thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu dựa trên những giá trị nổi bật về: cảnh quan, cổ sinh địa tầng, lịch sử phát triển địa chất - địa mạo và truyền thống văn hoá phong phú của cộng đồng cư dân bản địa. Đây là cao nguyên đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu và trở thành CVĐC thứ hai của khu vực Đông Nam Á.


                                                                                       Thanh Hải (TTTTDL) biên tập