Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội giai đoạn 2011 – 2015
Cập nhật: 28/07/2011
Được xây dựng trên cơ sở thành công của dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ giai đoạn 2004 - 2010, dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) sẽ được thực hiện trong 5 năm tiếp theo (2011 – 2015).

               Chợ vùng cao Sapa (Lào Cai)
Hội thảo “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội giai đoạn 2011 – 2015” đã diễn ra vào ngày 22/7/2011, tại khách sạn Melia, Hà Nội, nhằm giới thiệu nội dung dự án và xin ý kiến đóng góp của các đối tác vào kế hoạch hoạt động của dự án.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc dự án, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của dự án, cùng đại diện các bộ ngành liên quan; đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương; đại diện các doanh nghiệp trong ngành du lịch và các trường du lịch…    

Dự án ESRT do Tổng cục Du lịch trực tiếp thực hiện là chương trình xây dựng năng lực du lịch cho tất cả các đối tác chính trong ngành du lịch, nhằm lồng ghép các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm vào các hoạt động du lịch ở cấp quốc gia và cấp vùng. Mục tiêu cụ thể của dự án là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện với tài trợ 11 triệu Euros từ EU và khoảng 30 tỷ đồng vốn đối ứng (tương đương với khoảng 1 triệu Euro) từ Chính phủ Việt Nam.  

Hội thảo đã giới thiệu 3 hợp phần chính của dự án với những kết quả dự kiến sẽ đạt được đó là: nâng cao năng lực thể chế của ngành du lịch ở cấp trung ương và địa phương trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và quản lý du lịch có trách nhiệm; năng lực của các đối tác địa phương, các hiệp hội du lịch và khu vực tư nhân được nâng cao về vấn đề đối thoại và đối tác giữa khu vực nhà nước – tư nhân trong quản lý du lịch; hệ thống đào tạo nghề du lịch bao gồm hệ thống Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) được duy trì bền vững.  

Dự án ESRT đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề cụ thể như: xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới... Dự án sẽ tiếp tục phương pháp tiếp cận đào tạo nghề của dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch do EU tài trợ và ứng dụng vào những lĩnh vực mới nhằm mở rộng các cơ hội việc làm cho người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Tại hội thảo, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle đánh giá: thế mạnh của du lịch Việt Nam hiện nay là có rất nhiều loại hình hoạt động khác nhau có thể lồng ghép để mang lại lợi ích cho những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, đặc biệt là tạo điều kiện cho lực lượng lao động nữ giới tham gia vào các hoạt động du lịch.   

Cũng theo Đại sứ, trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải chịu nhiều sức ép lớn từ việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, để có thể phát triển bền vững, ngành du lịch cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường và an toàn lương thực – thực phẩm. Dự án sẽ lấy “Du lịch có trách nhiệm” làm trọng tâm nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, tối ưu hóa các lợi ích kinh tế, xã hội và văn hoá.  

Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã đánh giá, dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội giai đoạn 2011 – 2015 thành công sẽ có tác động tích cực đến việc tăng cường năng lực quản lý du lịch thông qua việc xây dựng một khung chính sách hiệu quả hơn, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Phạm Phương (TTTTDL)