Thái Nguyên trong lòng chiến khu Việt Bắc
Cập nhật: 12/01/2007
Xây dựng căn cứ địa cách mạng hoàn toàn không phải là một vấn đề mới trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của nhân dân ta.
Tuy nhiên, việc xác định được địa điểm để xây dựng căn cứ địa lại luôn là vấn đền mới, là sự thể hiện tài năng, khả năng tiên đoán cho sự ổn định, phát triển tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn của các bậc anh hùng. Hồ Chí Minh là một trong những người anh hùng đó.
Sau nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Người đã đặt vấn đề phải xây dựng căn cứ địa cách mạng để làm điểm tựa ban đầu và quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ. Người nói: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ. Vậy là trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên đã được xem như là một cửa ngõ cực kỳ quan trọng bời từ Thái Nguyên, theo quốc lộ số 3 ta có thể lên Bắc Cạn, Cao Bằng; theo quốc lộ 1B qua Bắc Sơn, ta sẽ đến Lạng Sơn; theo đường 379, qua Đại Từ, vượt đèo Khế sang Tuyên Quang, Hà Giang và từ Thái Nguyên xuôi về Hà Nội v. v…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng: “Tôi còn nhớ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có chỉ thị xây dựng Thái Nguyên thành căn cứ địa, Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi mới về nước, hoạt động ở Cao Bằng, trong một cuộc họp, Bác nói: “Hiện nay, ta có hai chỗ dừng chân là căn cứ Cao Bằng và căn cứ Bắc Sơn (Lạng Sơn), ta phải củng cố cả hai căn cứ đó, mở rộng thành căn cứ Cao - Bắc - Lạng. Cao Bằng có truyên thống cách mạng, lại thuận tiện cho việc liên lạc với quốc tế, nhưng vì vị trí ở xa Trung ương quá; vì vậy cần thiết phải chọn một nơi để xây dựng thành Trung tâm của căn cứ dịa Việt Bắc. Nơi ấy phải có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt, và ở nơi đó “tiến khả dĩ công, thoái khả di thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Cuối cùng thì Bác đã quyết định lấy Thái Nguyên làm địa bàn trung tâm của toàn khu căn cứ Việt Bắc, và đã đề ra chủ trương mở đường”Nam tiến” từ Cao Bằng qua Phia Uắc xuống Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn), mặt khác đi qua Thất Khê - Bắc Sơn về đến Võ Nhai (Thái Nguyên)… cho nên từ trước Cách mạng tháng Tám, Bác và Trung ương đã tập trung chỉ đạo các an toàn khu và xây dựng lực lượng Cứu quốc quân. Sau ngày Nhật đảo chính ( 9/3/1945 ), tại Định Hoá (Thái Nguyên) ngày 15/5/1945 đã diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân”.
Như vậy, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên năm trong chiến khu Việt Bắc gồm 06 tỉnh cùng với Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và dĩ nhiên quân và dân Thái Nguyên đã có những đóng góp cực kỳ to lớn cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui động lập thì đã phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống sự tái chiếm của thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Nhà nước non trẻ, v.v… Tiên đoán trước được âm mưu, hành động của thực dân Pháp, nên ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc, vạch tuyến, lựa chọn địa điểm xây dựng ATK (An toàn khu) cho Trung ương. Người nói: “Cách mạng tháng Tám đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến nhất định do Việt Bắc mà thắng lợi”. Thái Nguyên - Tuyên Quang trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến thần thánh 09 năm chống thực dân Pháp. Đến giữa năm 1947, ATK Trung ương được hình thành, được phân bố chủ yếu trên địa bàn các huyện: Định Hoá, Đại Từ (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Núi Hồng là trục nối các địa danh nói trên của ba tỉnh. Địa bàn này rất thuận lợi cho những hoạt động cơ động trong chiến tranh, nhân dân lại đã được thử thách, một lòng trung thành với cách mạng.
Theo hồi ký của nhiều nhân chứng lịch sử thì từ cuối năm 1947 đến cuối năm 1953, các cơ quan của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh quân đội thường đóng tại Định Hoá (Thái Nguyên). Còn các cơ quan Nhà nước (Quốc hội), Thủ tướng Phủ, các Bộ… đóng trên đất Sơn Dương (Tuyên Quang).
Cuối năm 1953 đến tháng 7 năm 1954, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Quân đội tập trung về đóng trên đất Kim Quan Thượng, Yên Sơn (Tuyên Quang). Tháng 8 đến tháng 9 năm 1954, trước khi trở về tiếp quản thủ đô, các cơ quan nói trên lại tập trung về đất Văn Lãng, Đại Từ (Thái Nguyên).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới ATK Trung ương vào tháng 5 năm 1947. Từ 20/5 đến 11/10, người ở thôn Điểm Mạc, xã Thanh Định, huyện Định Hoá (ở tạm nhà ông Ma Đình Tương, lúc đó là Chủ tịch uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện ít ngày, sau đó chuyển lán tại rừng cọ đồi Khâu Tý - xóm Nà Trạ, cách nhà ông Tương khoảng 300m). Ở đây, Người đã viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lề lối làm việc” với bút danh XYZ, một tác phẩm đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Người soạn thảo tài liệu tổng kết chiến tranh du kích ở Trung Quốc, đồng thời người viết thư cho nhân dân Pháp kêu gọi ủng hộ nhân dân Việt Nam, lên án tội ác của thực dân Pháp và khẳng định quyết tâm kháng chiến và sự tất thắng của nhân dân Việt Nam. Người viết: “Đã hai mươi tháng nay, chủ nghĩa thực dân Pháp đã tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Hàng ngàn thanh niên Pháp và Việt Nam đã bị thương và giết chết. Những nhà máy và xí nghiệp bị tàn phá. Nhiều thành phố và hàng trăm làng mạc Việt Nam bị quân Pháp thiêu huỷ. Hàng vạn dân thường Việt Nam vị quân Pháp tàn sát… họ muốn tiếp tục chiến tranh… chúng tôi muốn hoà bình. Chúng tôi muốn nước chúng tôi thống nhất và độc lập trong Liên hiệp Pháp. Bọn quân phiệt thực dân buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Chúng tôi lấy câu châm ngôn của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi: “Thà chết chứ không làm nô lệ” Chúng tôi chiến đấu vì công lý, chúng tôi sẽ thắng. Các bạn hay giúp chúng tôi cứ lấy tính mạng thanh niên Pháp và Việt Nam , cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy Liên hiệp Pháp”…
Trong vòng 7 năm (1947 - 1954), có quá nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Chiến khu Việt Bắc, ở ATK Trung ương, Mở đầu cho các chuỗi sự kiện ấy chính là cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp thu đông năm 1947. La Hiên, Trùng Khánh (Võ Nhai), Cù Vân, Kam Tra, Lục Rã, Phục Linh, Đại Từ … là những địa danh mà nơi đó bộ đội, dân quân du kích Thái Nguyên đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Vào năm 1948, tại Định Hoá - Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm cấp Đại tướng cho Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp; Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình; Thiếu tướng cho một số đồng chí khác.
Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương quyết định chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, quyết định nhiệm vụ và kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953 - 1954; thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, quyết định phát động phong trào thi đua rộng lớn diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, quyết định nhiều chính sách thuế nông nghiệp, giảm tô giảm tức, quyết định kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7), quyết định triệu tập Đại hội thống nhất Mặt trân Liên Việt - Việt Minh, Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất v.v…
Có thể nói, phần lớn các cuộc họp của Ban thường vụ Trung ương Đảng dể quyết định những vấn đề hệ trọng có liên quan đến vận mệnh quốc gia, có liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh nói chung đều diễn ra trên đất Định Hoá - Thái Nguyên. Có thể khẳng định rằng: Là một trong những địa bàn của chiến khu Việt Bắc, Thái Nguyên đã đáp ứng trọn vẹn yêu cầu của Đảng, là hậu phương góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, bảo vệ an toàn tới mức tuyệt đối các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mọi số liệu về sự đóng góp của quân dân Thái Nguyên cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc như một số sử liệu nêu ra còn quá thấp so với những gì mà nhân dân các dân tộc Thái Nguyên dành cho Đảng, cho Nhà nước non trẻ của chúng ta. Vì vậy, Chính phủ hoàn toàn không có một chút phân vân khi nhận định “Chiến khu Việt Bắc” là một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, một “thủ đô kháng chiến” với vùng di tích trọng điểm: Pắc Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hoá, Chợ Đồn, Chiêm Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn (Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang), một vùng di tích có ý nghĩa và giá trị nhiều mặt. Vì vậy, “việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử cách mạng “Chiến khu Việt Bắc” nhằm giáo dục các thế hệ về truyền thống lịch sử cách mạng và kháng chiến của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng chống ách đô hộ và xâm lược, xây dựng chính quyền cách mạng và Nhà nước dân chủ nhân dân về những chiến công vẻ vang, về giá trị lâu dài trong lịch sử giữ nước và dựng nước của nhân dân ta và giới thiệu với khách nước ngoài về truyền thống lịch sử, văn hoá của Việt Nam” thể hiện trong Quyết định 784/TTgA ngày 22/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử cách mạng “Chiến khu Việt Bắc” là hoàn toàn đúng và phù hợp với đạo lý: Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây vốn có của dân tộc ta.
Sở Thương mại và Du lịch Thái Nguyên
|
|
|