Từ ngày 6/10 - 30/11/2011, Bảo tàng Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và các di tích Nho học Bắc Ninh”.
Triển lãm trưng bày hơn 500 hình ảnh, hiện vật, bản đồ, thác bản bia tiến sĩ, sách học, đồ dùng học tập của sĩ tử xưa… nhằm giới thiệu đến công chúng một cái nhìn khái quát về lịch sử khoa cử Thăng Long; lịch sử hình thành và sự phát triển của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám; các di tích Nho học Bắc Ninh cùng những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc như: tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng hiền tài...
Triển lãm được trưng bày theo 3 phần. Phần một là lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội với mô hình kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu nhỏ, với các lễ tế tại Văn Miếu và nội dung một số đoạn trích tiêu biểu của 82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu (di sản tư liệu thế giới). Phần hai giới thiệu lịch sử chế độ khoa cử Việt Nam với hình ảnh nổi bật là thầy Chu Văn An và không gian lớp học xưa. Hình ảnh, tư liệu về truyền thống khoa bảng Bắc Ninh, Văn Miếu và các di tích Nho học Bắc Ninh là nội dung chính của phần ba tại triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan.
Đến với triển lãm, công chúng sẽ biết đến hình ảnh một Bắc Ninh-Kinh Bắc có truyền thống khoa bảng tiêu biểu của cả nước với 375 vị Đại khoa được ghi khắc tên tuổi và khoa danh ở văn bia Văn Miếu Bắc Ninh; hệ thống di tích Nho học của tỉnh Bắc Ninh phong phú và đa dạng với nhiều hiện vật, di sản văn hóa Nho học quý giá vẫn được bảo tồn, gìn giữ.
Triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội và các di tích Nho học Bắc Ninh” góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khuyến khích, giáo dục thế hệ trẻ của hai thành phố Hà Nội và Bắc Ninh kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc.