Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2010
Cập nhật: 19/10/2011
Chiều 17/10/2011, Lễ vinh danh và trao tặng “Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2010” đã long trọng diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là sự kiện do Tổng cục Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh 50 doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực cho thành công của ngành Du lịch trong năm 2010.

Tới dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng; các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch...


Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Năm 2010 đã ghi lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Năm 2010 cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam, trong bối cảnh sau khi ngành gặp phải những thách thức và khó khăn chưa từng có trong thời gian cuối năm 2008 và năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2010, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt qua 5 triệu lượt khách, tăng 35% so với năm 2009, lượng khách nội địa đã đạt 28 triệu lượt, thu nhập từ du lịch đạt 95.000 tỷ đồng, đóng góp 4,5% GDP cho nền kinh tế đất nước. Đây cũng là thời điểm kết thúc một thập kỷ phát triển 2001 – 2010 để bước vào thực hiện chiến lược phát triển thời kỳ 2011 – 2020 trên nền tảng đã tạo lập được trong suốt thập kỷ qua, với quan điểm chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu, gắn với chất lượng, hiệu quả, thương hiệu và năng lực cạnh tranh.

Trong thành tựu nổi bật của năm 2010, cộng đồng doanh nghiệp chính là nhân tố có vai trò quyết định, các doanh nghiệp đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, có nhiều đóng góp to lớn và đã tạo động lực cho sự phát triển của ngành. Trong bối cảnh đó, việc tôn vinh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của năm 2010 mang một ý nghĩa hết sức to lớn.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực để có được thành công của Du lịch Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới 2010. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục duy trì và xét chọn trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2010 cho các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn hàng đầu Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ghi nhận và biểu dương thành tích của doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy thi đua, lao động sáng tạo trong toàn ngành du lịch; khẳng định và tôn vinh các thương hiệu du lịch; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của Du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, trong giai đoạn mới Giải thưởng Du lịch Việt Nam sẽ thực sự là động lực để các doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu của mình trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Du lịch Việt Nam thân thiện, hấp dẫn, khẳng định vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch của khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng kêu gọi tất cả các địa phương, các doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành du lịch hãy tham gia và vận động người thân, khách du lịch cùng tham gia bầu chọn để Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Giải thưởng Du lịch Việt Nam là danh hiệu cao quý nhất của ngành Du lịch Việt Nam nhằm tôn vinh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu. Đây là giải thưởng chính thức của ngành Du lịch được triển khai từ năm 1999 với tên gọi Topten Lữ hành quốc tế và Khách sạn Việt Nam. Trải qua 12 năm, uy tín của Giải thưởng Du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao trong cộng đồng, các doanh nghiệp du lịch và các tầng lớp xã hội.

Đơn vị đạt được giải thưởng sẽ có nhiều ưu thế trong công tác quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu, và có uy tín đối với sản phẩm dịch vụ, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính để nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã bền bỉ phấn đấu để nhận được giải thưởng này. Có thể khẳng định rằng Giải thưởng Du lịch Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn, thiết thực và là động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch phát triển, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế.


Mười khách sạn 5 sao hàng đầu năm 2010: New World (TP.HCM), Caravelle (TP.HCM), Bến Thành-Rex (TP.HCM), Renaissance Riverside (TP.HCM), Daewoo (Hà Nội), Majestic (TP.HCM), Khu nghỉ mát Ana Mandara (Khánh Hòa), Vinpearl Resort Nha Trang (Khánh Hòa), Windsor Plaza (TP.HCM), Khu nghỉ mát Six Senses Ninh Vân Bay (Khánh Hòa).


Mười khách sạn 4 sao hàng đầu năm 2010: Palace (TP.HCM), Đồng Khởi–Grand (TP.HCM), Yasaka Sài Gòn–Nha Trang (Khánh Hòa), Đệ Nhất–First (TP.HCM), Hoàn Cầu-Continental (TP.HCM), Khu du lịch biển Hội An (Quảng Nam), Sài Gòn–Hạ Long (Quảng Ninh), Grand Palace thuộc OSC Việt Nam (BR-VT), Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc (Kiên Giang), Khu du lịch Làng Tre Mũi Né (Bình Thuận).


Mười khách sạn 3 sao hàng đầu năm 2010: Bông Sen (TP.HCM), Victory (TP.HCM), Viễn Đông (TP.HCM), Vũng Tàu Intourco (BR-VT), Hòa Bình (Hà Nội), Petro Sông Trà (Quảng Ngãi), Rex (BR-VT), Festival (TT-Huế), Cửu Long (Cần Thơ), Công Đoàn (Hà Nội).


Mười doanh nghiệp lữ hành quốc tế hàng đầu năm 2010: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (TP.HCM), Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Bến Thành (TP.HCM), Công ty Liên doanh Du lịch Apex Việt Nam (TP.HCM), Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam–Hà Nội, Công ty Cổ phần Du lịch Tân Định Fiditourist (TP.HCM), Công ty TNHH một thành viên Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam-Vietravel (TP.HCM), Công ty Du lịch Hòa Bình (TP.HCM), Công ty TNHH Du lịch Exotissimo–Cesais (TP.HCM), Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours (Đà Nẵng), Công ty TNHH một thành viên Du lịch Trâu Việt Nam-Buffalo Tours (Hà Nội).


Mười doanh nghiệp lữ hành nội địa hàng đầu năm 2010: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (TP.HCM), Công ty Cổ phần Du lịch Tân Định Fiditourist (TP.HCM), Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Bến Thành (TP.HCM), Công ty Lữ hành Hanoitourist (Hà Nội), Công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM), Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Du lịch Văn hóa Việt (TP.HCM), Công ty Cổ phần Du lịch Thanh Niên (TP.HCM), Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (An Giang), Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ (TP. Cần Thơ), Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành An Giang (An Giang).





                                                                   Bài: Truyền Phương; ảnh: Thế Phi (TTTTDL)