Tối 7/11,
tại Quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn đã khai mạc chương trình “Du lịch qua
những miền di sản Việt Bắc.”
Lễ khai mạc
có nhiều màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc của các đoàn nghệ thuật Trung ương và
đặc biệt là sự đóng góp của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của 6 tỉnh Việt
Bắc, với những phần trình diễn mang đậm dấu ấn vùng miền với tên gọi “Núi rừng
Việt Bắc”.
Chương
trình được tổ chức từ ngày 6 đến 9/11 với nhiều hoạt động phong phú như: thi
đấu các môn thể thao dân tộc; triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc; hội
thi thuyết minh viên giỏi, thanh lịch với chủ đề “Về cội nguồn Việt Bắc;” biểu
diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và trình diễn trang phục dân tộc của 6 tỉnh; khảo
sát giới thiệu tuyến, điểm du lịch Bắc Kạn; hội chợ Thương mại-Du lịch Bắc Kạn.
Việt Bắc là
khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch
biên giới, với những điểm di tích nổi tiếng như Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - một trong
20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới; vườn di sản ASEAN; khu du lịch lịch
sử và sinh thái Tân Trào (Tuyên Quang); các di tích thuộc ATK Định Hóa (Thái
Nguyên); suối Lê Nin, hang Pắc Bó (Cao Bằng); Công viên địa chất cao nguyên đá
Đồng Văn (Hà Giang).
Ngoài ra,
Việt Bắc còn được biết đến là nơi sinh sống của nhiều tộc người thiểu số với
những điệu hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, điều
Then của người Tày... ngân nga làm say đắm lòng người.
Tuy nhiên,
để Việt Bắc trở thành thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch, các địa phương cần
phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng
sản phẩm du lịch, chương trình du lịch thống nhất. Đặc biệt, các tỉnh cần phát
triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát
huy các giá trị văn hóa bản địa...
“Du lịch
qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức thường niên, luân phiên ở mỗi tỉnh
nhằm liên kết, trao đổi rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp hỗ trợ lẫn nhau; xây
dựng sản phẩm chung để tạo hình ảnh điểm đến chung của Việt Bắc; tạo điều kiện
thuận lợi và ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động liên tỉnh.
Thông qua chương
trình này, xúc tiến quảng bá và lồng ghép các chương trình quảng bá du lịch
quốc gia và từng địa phương; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, trong đó tập
trung vào các nội dung giao lưu văn hóa du lịch, hội chợ; đào tạo, phát triển
nguồn nhân lực, tham khảo chính sách, phổ biến những điển hình trong phát triển
du lịch.