Nếu như những năm đầu mới thành lập, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ khai thác du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có thì hiện nay ngành Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã khai thác du lịch theo hướng bền vững với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Nhiều sản phẩm du lịch tuy mới được hình thành nhưng đã mang đậm đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu, thu hút nhiều du khách.
Hiện ở Bà Rịa-Vũng Tàu có các loại hình du lịch chính đang được khai thác hiệu quả như: du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa kết hợp thể thao; du lịch MICE; du lịch tâm linh, về nguồn...
Loại hình du lịch sinh thái được tổ chức chủ yếu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu và Vườn quốc gia Côn Đảo. Đối tượng khách chủ yếu tham gia loại hình du lịch này là học sinh, sinh viên trong nước và du khách nước ngoài đi tham quan, khảo cứu động thực vật và bảo tồn tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn và vườn quốc gia. Việc phục vụ khách du lịch sinh thái không chú trọng nhiều đến hiệu quả kinh tế mà chủ yếu là bảo vệ môi trường rừng, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm.
Loại hình du lịch nghỉ dưỡng là sản phẩm du lịch chính, được tổ chức ở các bãi tắm, resort ven biển, trong đó bao gồm: nghỉ dưỡng cuối tuần và nghỉ dưỡng cao cấp. Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần là loại hình du lịch truyền thống của Bà Rịa-Vũng Tàu với nguồn khách chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đặc điểm của loại hình du lịch này là thời gian lưu trú ngắn, phần lớn tập trung ở các bãi tắm của TP. Vũng Tàu, khu vực Long Hải (huyện Long Điền). Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tập trung ở các khách sạn, resort từ 3 sao trở lên nằm dọc ven biển từ TP. Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Đặc điểm của loại hình du lịch này là khách có thời gian lưu trú dài, chi tiêu cao, với các resort như: Bình An, Vũng Tàu Intourco resort, Imperial Beach Club (TP. Vũng Tàu); Anoasis Beach resort, Long Hải Beach resort (huyện Long Điền); Hồ Tràm Beach resort & spa, Sài Gòn – Hồ Cốc, Sài Gòn – Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); các khu resort ở Côn Đảo...
Loại hình du lịch văn hóa kết hợp thể thao thường được tổ chức nhằm thu hút du khách nhân dịp các lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn diễn ra trong tỉnh trong thời gian qua như: Giải Cờ tướng châu Á năm 2002, Giải Cờ vua Đông Nam Á năm 2006, Giải Cờ vua trẻ Thế giới năm 2008, Cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam và Thế giới năm 2009, Festival Diều quốc tế, Giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế, Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực thế giới 2010; Khai hội Văn hóa-Du lịch... Trong thời gian diễn ra những sự kiện đó, ngành du lịch tỉnh đã kết hợp khai thác tour để phục vụ khách tham quan các di tích lịch sử, danh thắng và tham dự các lễ hội truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay có một số sự kiện được tổ chức thường niên như: Festival Diều quốc tế, Giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế, Khai hội Văn hóa-Du lịch với điểm nhấn là nghi thức bắn súng thần công, đã góp phần tạo thêm những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách và quảng bá du lịch tỉnh.
Ngoài ra, một số lễ hội cũng đã và đang được nâng cấp nhằm phát triển du lịch văn hóa-tâm linh như: Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (TP. Vũng Tàu); Lễ hội Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Bước đầu, việc nâng cấp các lễ hội trên đã có hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch.
Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, sản phẩm du lịch, loại hình du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn đơn điệu, thiếu các điểm đến hấp dẫn, độc đáo. Do đó, hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ. Lượng khách quốc tế so với tổng số khách du lịch còn ít. Mức chi tiêu bình quân của mỗi du khách còn thấp, thời gian lưu trú ngắn. Để khắc phục tình trạng này, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án phức hợp có vốn đầu tư lớn, nhiều sản phẩm, dịch vụ có sức lan tỏa cao nhằm làm đầu kéo ngành du lịch tỉnh phát triển.