Khái niệm “Con đường Di sản thế giới” bắt đầu xuất hiện ở miền Trung từ năm 2002, chỉ tuyến du lịch theo dạng chủ đề, do ông Paul Stone, lúc bấy giờ là Tổng Giám đốc Khu nghỉ mát cao cấp Furama Đà Nẵng gợi ý tưởng và được Văn phòng Đại diện Tổng Cục Du lịch tại miền Trung đề xuất liên kết hoạt động du lịch giữa các tỉnh, thành phố ở miền Trung Việt Nam.
Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2004, “Con đường Di sản thế giới” hay “Hành trình Di sản miền Trung” mới được du khách thực sự biết đến qua Công ty Lữ hành Vitours. Cho đến nay, “Hành trình Di sản miền Trung” đem lại doanh thu khoảng 8-10 tỷ đồng/năm cho Công ty Lữ hành Vitours tại Đà Nẵng.
Lợi thế…Đà Nẵng chưa có Di sản thế giới, nhưng thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng luôn tự hào là trung tâm của “Con đường Di sản thế giới” dài 1.500km, trải dọc theo bờ biển miền Trung trên Quốc lộ 1A, liên kết các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới từ thành phố Vinh (Nghệ An) đến Đà Lạt (Lâm Đồng). Ngay trung tâm thành phố là Bảo tàng Điêu khắc Chămpa - bảo tàng duy nhất ở Đông Nam Á lưu giữ những dấu tích của nền văn hóa Chămpa rực rỡ, với gần 500 tác phẩm điêu khắc nguyên bản được sáng tạo trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 15. Những thành tựu kiến trúc, điêu khắc và văn hóa độc đáo Chămpa còn được lưu giữ tại khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), cách Đà Nẵng 70km về phía tây nam.
Cách Đà Nẵng hơn 30km về phía đông nam là đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Tại đây, du khách có thể tìm thấy những nét kiến trúc đặc sắc từ thế kỷ 16, 17 của người Việt, Trung Hoa, Nhật Bản ở hơn 1.000 di tích văn hóa đang được lưu giữ. Đi về phía bắc khoảng 100km, du khách sẽ có dịp tham quan những cung điện, lăng tẩm và phong cảnh thiên nhiên hữu tình của Cố đô Huế. Xa hơn nữa, khoảng 300km về phía bắc từ Đà Nẵng là Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) với rừng rậm và nhiều hang động kỳ ảo rất có giá trị về sinh thái, văn hóa, lịch sử và du lịch.
Hội An, Mỹ Sơn, Huế và Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là các Di sản thế giới ở miền Trung Việt Nam.
Với vị trí thuận lợi trên Con đường Di sản, Đà Nẵng còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của miền Trung-Tây Nguyên; do đó, nếu nhìn một cách khách quan, cơ sở hạ tầng, giao thông… của Đà Nẵng hơn hẳn các tỉnh, thành phố khác trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Đà Nẵng có nhiều bãi biển, ngọn núi đẹp như: bãi biển Non Nước, Mỹ Khê; núi Ngũ Hành Sơn, Bà Nà – Núi Chúa… như một sự hội tụ các lợi thế khách quan và chủ quan hiếm có để phát triển du lịch.
Tận dụng lợi thế
“Trước năm 2005, Đà Nẵng giống như một điểm trung chuyển, nhưng từ 2005 đến nay, mọi thứ đã đổi khác, Đà Nẵng thực sự đã trở thành một điểm đến cho du khách trong và ngoài nước. Điều đó cho thấy thành phố đã có những bước đi thích hợp để khai thác lợi thế như phát huy tối đa loại hình du lịch MICE, phấn đấu trở thành thành phố của sự kiện (đối với khách nội địa); thu hút khách quốc tế qua các đường bay trực tiếp…”, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vitours tại Đà Nẵng - đơn vị duy nhất cho đến thời điểm này thực hiện thành công chương trình du lịch “Hành trình Di sản miền Trung” cho hay.
Tuy nhiên, “việc liên kết giữa các địa phương trên “Con đường di sản miền Trung” vẫn chưa thực sự bền chặt, đây đó vẫn còn những biểu hiện cục bộ, địa phương… Hơn bao giờ hết, Đà Nẵng phải thể hiện vai trò “đầu tàu”, vai trò trung tâm liên kết như vị trí đắc địa mà ông trời đã ban tặng cho thành phố trẻ”, ông Tùng cho biết thêm.