Dịch vụ du lịch trên sông và ven biển tại Bình Thuận những năm gần đây đã có sự khởi sắc. Hiện có không ít đơn vị, cá nhân đầu tư đa dạng loại hình du lịch này…
Ngoài “tài nguyên” 192km bờ biển, Bình Thuận còn có một số đảo, vũng, vịnh, cù lao với cảnh quan đẹp và khá hoang sơ. Một tuyến đường ven biển dài 60km từ Long Sơn - Suối Nước đến Tiến Thành - Kê Gà (Hàm Thuận Nam) được đầu tư hoàn chỉnh cũng tạo điều kiện khai thác dịch vụ du lịch đường thủy. Tại khu vực trung tâm, dòng sông Cà Ty cũng tạo nên một sự thu hút đối với du khách lần đầu đến Phan Thiết du lịch… Đó là những lợi thế để địa phương định hướng phát triển loại hình dịch vụ trên sông, ven biển đáp ứng nhu cầu khách du lịch đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ngày một đông.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 phương tiện đăng ký phục vụ du lịch và các hoạt động thể thao dưới nước. Tuy nhiên, ngoại trừ một số phương tiện đường thủy có sức chở lớn của SCUBA và Làng Thụy Sĩ thì còn lại đều có sức chở nhỏ, hoặc được nâng cấp từ các tàu mà trước đó có chức năng khác… Mới đây, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Giải trí biển Thái Bình Dương. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài xin đầu tư dự án “Câu lạc bộ Giải trí biển Thái Bình Dương” với dịch vụ cho thuê các loại phương tiện thủy tại những khu du lịch có nhu cầu.
Không lâu sau khi có Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Giải trí biển Thái Bình Dương đã xin chủ trương cho phép hoạt động dịch vụ chở khách du lịch tham quan sông Cà Ty và ven biển Phan Thiết. Vấn đề này, UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan tham mưu đề xuất ý kiến và đề nghị doanh nghiệp phải có phương án hoạt động. Trong tháng 10/2011 vừa qua, Công ty TNHH Giải trí biển Thái Bình Dương đã xây dựng phương án “Hoạt động phương tiện thủy dịch vụ du lịch trên sông, ven biển”. Theo đó, doanh nghiệp sẽ xúc tiến nhập khẩu nguyên chiếc các phương tiện thủy gồm: Du thuyền có sức chứa từ 70 - 80 người, ca nô cao tốc từ 5 - 11 hành khách, mô tô trượt nước… Tất cả các phương tiện thủy đều sản xuất tại Hoa Kỳ, được chế tạo thân vỏ bằng vật liệu có cường độ chịu kéo rất cao, cách nhiệt tốt, mô đun đàn hồi lớn. Trước khi đưa vào hoạt động, doanh nghiệp cũng đưa phương tiện đi đăng kiểm, trang bị thiết bị cứu sinh, cứu hỏa theo quy định an toàn trong hoạt động đường thủy nội địa.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải trí biển Thái Bình Dương, mục tiêu loại hình dịch vụ này sẽ hướng đến thị trường khách du lịch nước ngoài. Dù vậy, khách nội địa là các đoàn đi theo tour du lịch, khách đến tham dự hội nghị, hội thảo cũng được doanh nghiệp xác định là thị trường tiềm năng. Trước mắt do lượng khách chưa ổn định, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức dịch vụ vận chuyển khách tham quan du lịch không theo tuyến cố định mà thực hiện theo hợp đồng. Trong đó, hoạt động ven biển là dịch vụ thưởng ngoạn, câu cá giải trí, tham quan các điểm du lịch với hành trình xuất phát từ Phan Thiết đến một số địa phương ven biển. Đối với hoạt động trên sông, có phạm vi hoạt động từ cửa biển Phú Hải đến Phú Long và từ cảng Phan Thiết đến cầu Cà Ty bằng các phương tiện thủy phù hợp.
Với dự án này, về lâu dài Công ty TNHH Giải trí biển Thái Bình Dương còn triển khai thêm các loại hình gồm: tàu lưu trú du lịch, vận chuyển du lịch theo tuyến cố định, tàu thuyền ca múa nhạc phục vụ khách du lịch, tàu nhà hàng nổi…
Để khai thác hiệu quả và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch này, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ quy hoạch bến bãi dành riêng cho các tàu, thuyền du lịch. Đồng thời sớm lắp đặt hệ thống báo hiệu cho các loại phương tiện thủy phục vụ khách du lịch, có giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan trên những tuyến hành trình…