Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” - cơ hội lớn để quảng bá Huế là thành phố văn hóa-di sản-festival và là thành phố đặc trưng của Việt Nam - sẽ diễn ra từ 7/4-15/4/2012 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huế Phan Tiến Dũng cho biết, chủ đề này xuất phát từ việc Hội nghị thường niên lần thứ 13 Liên đoàn các thành phố lịch sử (LHC-The League of Historical Cities) gồm 80 thành phố của 55 quốc gia sẽ được tổ chức tại Huế cùng thời điểm này.
Nơi dừng chân của du lịch di sản…
Festival Huế 2012 có qui mô quốc tế được tổ chức lần thứ 7 tại Thừa Thiên Huế, là điểm nhấn trong Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ 2012 có chủ đề “Du lịch di sản”, năm kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Thái quyết định chọn Phú Xuân làm thủ phủ Xứ Đàng trong, sau đó Phú Xuân-Huế trở thành Kinh đô của nhà Tây Sơn và kinh đô nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Festival Huế Nguyễn Duy Hiền cho biết.
Festival Huế năm nay quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế và nghệ thuật đặc trưng của các vùng di sản văn hóa ở nhiều tỉnh thành Bắc Trung bộ.
“Các chương trình nghệ thuật độc đáo đậm đà bản sắc văn hóa của trên 30 đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tên tuổi của hàng chục quốc gia đến từ năm châu lục sẽ cùng quy tụ ở Festival Huế 2012. Đó đều là các đại diện của nghệ thuật đương đại chọn lọc từ các Festival quốc tế tiêu biểu và các loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, cũng là tiêu biểu cho các nền văn hóa lớn đến từ các thành phố lịch sử,” ông Hiền nói.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng cho biết sẽ có các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật mang tính cộng đồng phong phú diễn ra trên khắp các địa bàn thành phố, huyện lỵ tỉnh nhằm tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra festival.
Về chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đón tiếp du khách đến Huế vào dịp festival, ông Phan Tiến Dũng cho biết, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành chương trình chỉnh trang đô thị và nâng cấp một số hạng mục như: sân bay Phú Bài đã sửa sang để có thể đáp ứng được các chuyến bay trong nước và quốc tế; cảng Chân Mây cũng được đầu tư có thể đón tàu du lịch trên 30.000 tấn…
“Hiện nay, trên địa bàn chúng tôi có 200 khách sạn với hơn 8.000 phòng, 140 nhà nghỉ với 3.000 phòng… đảm bảo Thừa Thiên Huế không bao giờ xảy ra hiện tượng ‘cháy’ phòng. Hiện tỉnh cũng đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành và thiết lập đường dây nóng để xử lý những vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch lễ hội và đáp ứng nhu cầu du khách…” ông Dũng cam kết.
…Và điểm sáng văn hóa
Bộ Ngoại giao là đơn vị phối hợp chỉ đạo tổ chức Festival Huế từ kỳ đầu tiên vào năm 2000. Tới nay, sau 7 kỳ liên tục, “Festival Huế đã đến thời kỳ trở thành một điểm sáng nở rộ và là một trong những festival có thương hiệu ngang tầm quốc tế. Với số lượng các quốc gia trên thế giới tham gia ngày càng đông, Festival Huế đã trở thành nơi hội tụ nhiều nền văn hóa đặc sắc của các quốc gia, các dân tộc khác nhau,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đánh giá.
Theo đó, Bộ Ngoại giao với tinh thần trách nhiệm và được Chính phủ giao trọng trách cũng đã huy động các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc bằng cách vận động các tổ chức quốc tế, cơ quan văn hóa du lịch các nước đưa hình ảnh Festival Huế (cũng chính là hình ảnh đất nước Việt Nam) ra với thế giới.
“Năm 2012, Bộ Ngoại giao có sáng kiến đưa Festival Huế thành một hoạt động đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á và Mỹ La Tinh. Các quốc gia thành viên của hai khu vực này đều hết sức ủng hộ và rất mong muốn được tham gia Festival Huế. Có thể nói Festival Huế đã tạo được dấu ấn đồng thời là điểm hẹn của nhiều quốc gia mong muốn được giao lưu, gặp gỡ nhau,” ông Sơn nói.
Vị Thứ trưởng này cũng nhấn mạnh về yếu tố cơ hội của Festival Huế. Bởi theo ông, văn hóa là nhịp cầu, là công cụ cho các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau chặt chẽ hơn trên tất cả các diễn đàn.
“Hy vọng Festival Huế 2012 không chỉ tiếp tục nâng tầm tình đoàn kết hữu nghị, sự hội nhập của Việt Nam với quốc tế mà còn nâng tầm giao lưu văn hóa quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia để điểm sáng Festival Huế sẽ lan tỏa sâu rộng khắp năm châu. Thông qua sự kiện này chúng ta hãy gắn kết văn hóa Việt Nam-văn hóa Thế giới, gắn kết văn hóa các dân tộc, các châu lục với nhau để có một thế giới đại đoàn kết, hòa bình, hữu nghị!” ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ.
Những lễ hội chính Festival Huế 2012: Chương trình nghệ thuật Khai mạc tối ngày 7/4; Đêm Hoàng Cung tối 10/4 và 13/4; Lễ Tế Giao ngày 8/4; Lễ hội Áo dài tối 9/4; Sân khấu hóa “Thiên hạ thái bình” (diễn xướng cung đình và lễ hội đèn lồng, hoa đăng) tối 12/4; Chương trình “Đêm phương Đông” diễn ra hàng đêm trừ đêm Khai mạc, Bế mạc và Lễ hội Áo dài.
Các chương trình xã hội hóa trong khuôn khổ Festival: Lễ hội Trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt”; Những ngày phim lịch sử Việt Nam; Các chương trình Lễ hội đường phố diễn ra ngày và đêm trong thời gian diễn ra Festival; Chương trình nghệ thuật bế mạc tối ngày 15/4. Chương trình biểu diễn nghệ thuật: Diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội và Cung An Định, quảng trường Ngọ Môn, quảng trường trước trường Quốc học với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nước chủ nhà và các nước: Pháp, Bỉ, Nga, Ba Lan, Anh, Rumani, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Israel, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Mexico, Panama, Senegal, Australia, Philippines, Indonesia, Thụy Sĩ, Đức, Mông Cổ, Nam Phi…