Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch Quảng Nam” với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.
Theo thống kê của ngành du lịch Quảng Nam, trong 6 năm qua (2005-2011), với nỗ lực quảng bá xúc tiến đầu tư, mức tăng trưởng bình quân mỗi năm của ngành đạt từ 30-35%. Tổng lượng khách năm 2011 dự báo đạt trên 2,48 triệu lượt khách, gấp 1,8 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng thừa nhận vẫn còn quá nhiều hạn chế như: Công tác khảo sát, nghiên cứu thị trường chưa được đầu tư đúng mức.
Không có các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường du lịch Quảng Nam một cách quy mô, thường xuyên nên chưa thể có được một chiến lược quảng bá, xúc tiến dài hạn.
Tại hội thảo, ngành du lịch Quảng Nam đã xác định rõ đầu tư cho công tác quảng bá cũng quan trọng ngang với xây dựng sản phẩm. Muốn xây dựng kế hoạch quảng bá tốt phải dựa trên cơ sở điều tra khảo sát và sự góp ý của du khách.
Theo đó, ngành du lịch Quảng Nam sẽ mở nhiều cuộc điều tra, khảo sát định kỳ hàng năm, đưa ra thông tin xử lý, phối hợp với doanh nghiệp để tìm hướng phát triển mới cho du lịch Quảng Nam.
Theo ông Phil Harman, chuyên gia du lịch của Tổ chức tư vấn phát triển Hà Lan (SNV), kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Nam cần phải hình thành trên thực tiễn, cần dựa vào việc phân tích thị trường để đưa ra chiến lược quảng bá hiệu quả. Quan trọng là cần xác định được mục tiêu, thị trường, xây dựng, nghiên cứu các gói sản phẩm, giá tham quan, lưu trú. Hãy đưa ra thông điệp truyền thông cho khách hiểu lý do để họ đến và trở lại Quảng Nam thay vì đến nơi khác.
Cũng theo ông Phil Harman, mục tiêu của Quảng Nam là thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao và có nhận thức cao về văn hóa xã hội, bởi vậy hãy quảng bá đến những du khách muốn khám phá văn hóa xã hội. Thị trường khách này tập trung ở Úc, Pháp, Mỹ, Đức… và hai thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội.
Các hoạt động có thể triển khai là: cung cấp thông tin trực tuyến về Hội An, Quảng Nam bằng nhiều ngôn ngữ phổ biến. Gia tăng giới thiệu các khía cạnh mới về du lịch để du khách thấy có lý do hợp lý để trở lại hoặc tạo sự kiện vào mùa thấp điểm để đón khách.
Bên cạnh đó, cần mở rộng chiến dịch quan hệ công chúng, tái khởi động quảng bá con đường di sản. Xây dựng và quảng bá các chương trình tham quan du lịch dài ngày mà Hội An vẫn là điểm trung tâm.
Các chuyên gia du lịch và đại diện các doanh nghiệp cũng thống nhất cần xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động quảng bá du lịch. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam khẳng định: Ngành sẽ huy động sự tham gia, tài trợ, liên kết của các tổ chức, cá nhân nhằm đẩy mạnh quảng bá du lịch Quảng Nam ở trong nước, nước ngoài. Tại thị trường nước ngoài, tập trung quảng bá tại các thị trường trọng điểm; đồng thời khai thác thêm các thị trường mới tiềm năng.
Dự kiến, trung bình mỗi năm sẽ có 2 đợt khảo sát, nghiên cứu thị trường nội địa và một đợt tại thị trường nước ngoài; tổ chức hút khách bằng các sự kiện văn hóa, du lịch kèm theo các chương trình khuyến mãi, kích cầu để đón nhận nhiều hơn nữa lượng khách nội địa. Quan trọng nhất vẫn là thực hiện khảo sát thị trường khách hàng năm để giám sát chất lượng dịch vụ và chia sẻ với khối doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp về đào tạo kỹ năng cho nhân viên; tổ chức các đoàn famtrip cho đại diện các doanh nghiệp và các phóng viên báo chí đến các điểm du lịch một năm 2 lần.