Du lịch Hà Tĩnh: Hướng đến phát triển liên kết vùng
Cập nhật: 28/11/2011
Với lợi thế về tài nguyên du lịch như: có nhiều bãi tắm đẹp như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Kỳ Ninh...; sông núi hữu tình tạo nên nhiều danh thắng như: Núi Hồng - Sông La, thác Vũ Môn, Đèo Ngang - Hoành Sơn Quan; những khu nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng như: hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vụ Quang, suối nước khoáng Sơn Kim…, Hà Tĩnh đang là nơi hội tụ và lan tỏa những tinh hoa giá trị văn hoá truyền thống đan xen, hài hoà với những giá trị văn hoá hiện đại được sáng tạo trong quá trình phát triển, hội nhập. Hà Tĩnh hiện đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho du khách, để ai ai “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La”.

Những năm gần đây, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Toàn tỉnh đã có hơn 100 cơ sở lưu trú với trên 2.300 phòng. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh), trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn ngành đã đón và phục vụ 441.059 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 130 tỷ đồng.

Sau hơn 20 năm đổi mới, Hà Tĩnh đã có những thay đổi căn bản, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 10%, thu ngân sách năm 2010 đạt gần 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 600 USD/năm, nhiều dự án kinh tế trọng điểm được triển khai… tạo nền tảng, động lực cho Hà Tĩnh sớm trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn của khu vực. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định quyết tâm tranh thủ tối đa mọi thuận lợi, thời cơ, phát huy tiềm năng và sức mạnh tổng hợp để tạo ra những bứt phá mới nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiệu quả và bền vững, phấn đấu đến năm 2015, Hà Tĩnh sẽ trở thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân trên 14%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng 41,6%, thương mại - dịch vụ 40,3%, nông - lâm - ngư nghiệp 18,1%; thu nhập bình quân đầu người hàng năm trên 30 triệu đồng; thu ngân sách nội địa trên 4.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 280 triệu USD. Đây chính là nền tảng bền vững để Hà Tĩnh phát triển du lịch.

Cùng với sự đa dạng về tiềm năng tự nhiên, Hà Tĩnh còn có nguồn tài nguyên di tích đủ các loại hình với trên 500 di tích, trong đó, 72 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 260 di tích cấp tỉnh. Khách quan nhìn nhận, thực tiễn hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nhiều năm qua ở Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa và đáp ứng nguyện vọng có ý nghĩa tâm linh của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, để Hà Tĩnh thực sự trở thành địa phương có ngành du lịch phát triển với sự đa dạng và phong phú các loại hình dịch vụ dựa vào nền tảng tài nguyên chủ yếu là di tích và danh thắng, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đầu tư nhiều công sức và trí tuệ để nghiên cứu, phát triển về chiều sâu cho tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh vốn có. Một trong những giá trị văn hoá cần đầu tư khai thác phục vụ khách du lịch là các lễ hội truyền thống với nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: Ca trù Cổ Đạm, sắc bùa Kỳ Anh, ví phường vải Trường Lưu, ví đò đưa Sông La, các lễ hội truyền thống ở Chùa Hương, đền Lê Khôi, đền Bích Châu, những làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển đã hàng trăm năm…Đó là một trong những yếu tố cấu thành bản lĩnh, bản sắc dân tộc nói chung, linh hồn văn hoá Hà Tĩnh nói riêng.

Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Hà Tĩnh, mục tiêu tổng quát là phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để Hà Tĩnh sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Chú trọng khai thác thị trường nội địa, đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch của nhân dân trong tỉnh, khai thác hiệu quả hơn khách từ thị trường châu Á, châu Âu, nhất là khách từ Lào, Thái Lan và các nước ASEAN. Những năm tới, Hà Tĩnh tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Cầm, Khu sinh thái biển Xuân Thành, Khu sinh thái Nước Sốt Sơn Kim, Khu văn hóa - du lịch Nguyễn Du, Chùa Hương, Đền Củi, Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ... Đồng thời mở rộng các làng nghề truyền thống như: làng nghề sản xuất kẹo cu đơ, làng mộc Thái Yên, làng sản xuất nước mắm Cẩm Nhượng… để làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch.

Trước mắt, tỉnh đang tập trung xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020 trên một tầm nhìn chiến lược mới. Một trong những giải pháp Hà Tĩnh cần đầu tư thật sự hiệu quả là liên kết vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình - 3 tỉnh liền kề thuộc vùng Bắc Trung bộ, có tài nguyên du lịch phong phú và có nhiều lợi thế so sánh bổ sung cho nhau - để tạo thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Đây là nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch với mục tiêu hướng tới 5 nội dung cơ bản trong việc hợp tác, liên kết gồm: Xây dựng thương hiệu chung “Một di sản, hai danh nhân, một điểm đến” cho du lịch 3 tỉnh; liên kết xây dựng các sản phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch chung; liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung; liên kết doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch chung và hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch riêng của các tỉnh.
Báo Kinh tế Việt Nam