Phát triển du lịch ở Hà Giang
Cập nhật: 09/12/2011
Với tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, những năm qua, du lịch Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực.

Kinh tế - xã hội có những bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất của nhân dân đã từng bước được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, an ninh được giữ vững...; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, xây dựng và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng du lịch và phát triển du lịch.

Xác định phát triển du lịch, trong đó phát triển dịch vụ du lịch là lĩnh vực mũi nhọn, ngay sau khi Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2006 – 2015 đưa ra, UBND tỉnh đã đưa ra chương trình hành động số 35 nhằm triển khai đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tập trung khai thác các thế mạnh, tiềm năng cho từng huyện. Sau 5 năm thực hiện, công tác phát triển du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng. Công tác phát triển mạng lưới du lịch về lữ hành hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế đang hoạt động đã khai thác được một số thị trường du lịch đáng kể, chủ yếu là khách trong nước. Chỉ tính riêng năm 2010, số lượng khách du lịch tới Hà Giang đạt 301.334 lượt (trong đó khách nội địa tăng 6,76 lần, khách quốc tế tăng 1,5 lần). Đến năm 2011, ước tính số lượng khách du lịch là 329.937 lượt. Một điều đáng kể là mặc dù cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn hạn chế, nhưng với sự cố gắng của các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh, cơ sở lưu trú du lịch cũng được nâng cao về chất lượng và số lượng. Theo thống kê năm 2010, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn là 100 cơ sở với 1.340 phòng nghỉ bao gồm: 2 khách sạn 2 sao; 9 khách sạn 1 sao; 89 nhà nghỉ du lịch. Các cơ sở lưu trú đều có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo; một số cơ sở lưu trú có quy mô và đầy đủ điều kiện đón khách du lịch quốc tế, đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch khi nghỉ tại cơ sở, được khách du lịch trong nước và nước ngoài hài lòng.

Cùng với nguồn vốn ngân sách từ chương trình hành động Quốc gia về du lịch của Trung ương giai đoạn 2006- 2010, Hà Giang đã được đầu tư, lắp đặt 5 biển quảng bá du lịch tại một số địa phương có tiềm năng du lịch như: huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... với tổng số vốn 550 triệu đồng. Cùng với đó, đến nay một số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động tương đối có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách thập phương như : Khu di tích kiến trúc nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn (huyện Đồng Văn); Khu du lịch sinh thái Nậm An (huyện Bắc Quang)... Bên cạnh đó, các dự án khác vẫn đang tiếp tục mời gọi hoàn thiện như : Dự án du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Quảng Nguyên; Thác Tiên - Đèo gió; Bãi đá cổ Nấm Dẩn (huyện Xín Mần)...

Công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế và du lịch năm 2010 đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức xây dựng, hướng dẫn thực hiện các quy chế hoạt động đối với các khu, điểm du lịch, đặc biệt là với loại hình du lịch sinh thái. Ngành du lịch cũng đã phối hợp với Trung tâm quảng bá xúc tiến du lịch nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến dưới nhiều hình thức để giới thiệu hình ảnh Hà Giang với bạn bè trong và ngoài nước; góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Hà Giang. Đặc biệt, vừa qua, thông qua chương trình Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên 2011, Hà Giang đã có dịp giới thiệu cụ thể tiềm năng du lịch cũng như các sản phẩm du lịch đặc trưng của mình tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng mở rộng tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh khác, trong đó tập trung vào 2 nhóm chính là nhóm 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang) và nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang).

Giai đoạn 5 năm thực hiện trong lộ trình đến năm 2015 về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang mở ra một triển vọng mới, với sự lãnh đạo, quan tâm đúng mức của tỉnh, sự nỗ lực vượt lên khó khăn của các ngành chức năng, đặc biệt là cấp ủy chính quyền và nhân dân tại các vùng trọng điểm du lịch... sẽ mang lại những hiệu quả cao, giúp du lịch thực sự trở thành một ngành công nghiệp “không khói” quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân, từng bước phát triển kinh tế ổn định và bền vững.
Báo Hà Giang