Hát văn (chầu văn) là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Và giờ đây, hát văn – loại hình nghệ thuật từng đạt đỉnh cao vào thế kỷ 19, 20, đang có dấu hiệu thịnh vượng trở lại. Không gian văn hóa xưa lại dội về đất cảng khi trung tuần tháng 12/2011 sẽ diễn ra Liên hoan “Diễn xướng chầu văn” Hải Phòng mở rộng 2011.
Chầu văn – “rock Việt”
|
Tiết mục biểu diễn “Ba giá chầu đồng” |
Nhiều bài hát hiện nay có sử dụng những làn điệu của chầu văn, nhưng không phải ca sĩ nào cũng hát thành công. Hát văn cũng khác với hát ả đào (ca trù) - một loại hình nghệ thuật bác học, bởi hát văn có tính cộng đồng rất cao. Chẳng thế mà dù cho đời sống xã hội đang thay đổi từng ngày, đã xuất hiện nhiều loại hình văn hóa giải trí hiện đại thì hát văn vẫn đứng vững và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Không gian hát văn không chỉ có ở đình, miếu, phủ mà còn tràn vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Điều đặc biệt, hát văn đã tràn vào hoạt động thể thao. Đến với thể thao là đến với công chúng, ở đó không có phân chia ranh giới, cấp bậc hay nghề nghiệp. Tất cả hòa cùng làm một trong một cuộc giao lưu văn hóa. Thế nên tại các tụ điểm tập luyện thể thao cộng đồng của đất cảng, những hoạt động thể thao mà phải dùng âm nhạc, thì hát văn thường được lựa chọn. Khi những bài hát văn được cất lên, thì tất cả mọi người đều nhảy trong sự đam mê một cách rất tự nhiên. Người tập cảm thấy khoan khoái, như mình đang bay vào một không gian khác, mà khi tĩnh tâm trở lại họ vẫn cảm thấy tâm hồn như còn đang bay bổng, nâng nâng. Nhiều người dân Hải Phòng tự hào gọi hát văn là “rock Việt”, bởi âm hưởng của nó không kém nhạc rock metal (loại nhạc rock mạnh) của người phương Tây. Có được điều này là nhờ sự phối hợp âm thanh giữa đàn Nguyệt, đàn Nhị, trống gõ với nhau.
Tự hào cho loại hình nghệ thuật ca hát trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng tứ phủ và Đức thánh Trần. Một thứ âm nhạc tâm linh nhưng ca từ trau chuốt và trang nghiêm. Hát văn có ba loại là hát thi, hát tờ và hát lên đồng. Riêng hát lên đồng đã có nhiều giá, nếu là giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ được nhiều người yêu thích, nhất là những ai hiểu 13 điệu của hát văn.
Bảo tồn văn hóa đạo mẫu Việt NamKhông phải năm 2011 Hải Phòng mới tổ chức “Diễn xướng chầu văn” để qua đó đánh giá chân thực giá trị của hầu đồng trong nghệ thuật diễn xướng dân gian Việt Nam.
Năm 2006, Hải Phòng đã tổ chức Liên hoan “Chầu văn” mở rộng tại Nhà hát thành phố được dư luận đánh giá cao. Năm 2010, Liên hoan “Diễn xướng chầu văn” Hải Phòng mở rộng do Hội Văn nghệ dân gian thành phố tổ chức tại Phủ Thượng Đoạn cũng đạt kết quả tốt đẹp. Từ thành công này, năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng sẽ tổ chức liên hoan với quy mô lớn hơn và một số hoạt động phụ trợ cho Liên hoan như: Tọa đàm đánh giá giá trị của loại hình hát văn nhằm góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và phát triển.
Liên hoan còn là minh chứng cho nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Nội dung diễn xướng được chọn lọc trong 36 giá đồng có lời văn ca ngợi công đức các vị anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ và xây dựng đất nước. Toàn bộ chương trình sẽ được VTV (Đài Truyền hình Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng đến toàn bộ khán thính giả trên toàn quốc.
Tọa đàm, Liên hoan "Diễn xướng chầu văn" Hải Phòng mở rộng 2011:
-Tập hợp các nghệ nhân gồm các thanh đồng, các cung văn tiêu biểu và xuất sắc của 3 miền.
-Kinh phí tổ chức: xã hội hóa 100% do Công ty Thanh Hải vận động
-Lễ dâng hương xin phép Đức Thánh mẫu Lê Chân trước khi các thanh đồng hầu thánh
-Diễn xướng tại Phủ Mẫu, chùa Thắng Phúc (Tiên Lãng) từ ngày 14 đến 18/12. |