Trong những
ngày này, cái lạnh giá bắt đầu len lỏi khắp bản làng 2 xã Hang Kia và Pà Cò,
huyện Mai Châu thì cũng là dịp trăm hoa đua nở, nhà nhà chuẩn bị đón Tết cổ
truyền của đồng bào người H’Mông trên đất Hòa Bình. Người H’Mông đón Tết trước
Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng (1/12 âm lịch). Để chuẩn bị một năm mới
no ấm, sung túc, đầy đủ, thay cho làm bánh chưng như người Kinh, người H’Mông
vẫn thường làm những chiếc bành dầy chay to bằng bàn tay.
Trước Tết,
tiếng chày rộn rã khắp thôn bản, trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy những
chàng trai H’Mông vung chày giã gạo, thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người H’Mông
trồng ở những mảnh đất tốt nhất trong vùng. Từ chiều 29-30 Tết, nhà nào cũng đồ
những phản cơm thật to để giã bánh, thường thì mỗi nhà đồ từ 5 đến 10kg gạo để
đủ lượng bánh trong suốt dịp Tết cổ truyền. Ông Vàng A Nhà, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân xã Hang Kia cho biết: theo tập tục nơi đây, mỗi dịp Tết đến, nhà nào
cũng phải có bánh dầy để tiếp khách. Cứ vào khoảng 29 đến 30 Tết, mọi người đều
ngâm gạo, đồ lên rồi đem giã luôn. Khi giã phải giữ cho hạt cơm nóng, dẻo, có
vậy bánh dầy mới thơm, ngon mùi lúa nương. Lượng bánh làm ra phải nhiều, để đủ
dùng và tiếp khách trong cả tháng ăn Tết.
Ngồi chứng
kiến những đôi tay săn chắc của những chàng trai H’Mông nhịp nhàng giã bánh,
mới cảm nhận được nét độc đáo rất riêng của dân tộc H’Mông. Thường thì họ tập
hợp thành 1 nhóm khoảng hơn chục người thay nhau giã, đủ lượng nguyên liệu nhà
này, họ lại tiếp tục chuyển giã cho nhà khác, tạo nên một thứ âm thanh vui
nhộn, ấm cúng trong dịp Tết của mỗi gia đình người H’Mông. Ông Sùng A Đua, Chủ
tịch Hội Cựu chiến binh xã Hang Kia cho biết: trước Tết từ 1 đến 2 ngày, không
khí quanh bản luôn ấm đượm tình dân tộc. Ngoài những chàng trai giã gạo làm
bánh dầy còn có những người phụ nữ hăng hái cùng tham gia, những lúc người giã
nghỉ tay uống nước thì họ cũng thử làm những công việc mà “phái mạnh” hay làm,
họ làm để biết nỗi vất vả mệt nhọc mà người đàn ông H’Mông luôn đứng ra đảm
nhiệm. Để làm ra chiếc bánh dầy của người H’Mông, đòi hỏi người đàn ông phải có
sức khỏe bền bỉ, giã liên tục trong khi cơm đồ vẫn phải được giữ nóng, không
được để nguội bánh sẽ mất ngon. Người giã phải là người có kinh nghiệm, giã đều
tay đến khi hạt cơm dẻo nhuyễn.
Người H’Mông
quan niệm, chiếc bánh dầy tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn
gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Chính vì vậy mỗi dịp Tết đến,
2 bản người H’Mông Hang Kia, Pà Cò luôn có những “mẹt bánh dầy”. Sau khi giã
xong nguyên liệu, người H’Mông bắt đầu nặn bánh theo đúng kích cỡ, đường kính
khoảng 14cm được bảo quản trong 2 miếng lá chuối còn xanh. Ông Vàng A Nhà, Phó
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hang Kia cho biết thêm: để đảm bảo vệ sinh, cũng
như tránh trường hợp bánh mốc, trước khi đem bánh ra nặn, người phụ nữ H’Mông
đã lau khô, sạch những tàu lá chuối và những chiếc mẹt đựng bánh. Chính vì vậy,
trong suốt tháng chơi Tết, bánh dầy của người H’Mông không bị hư hỏng, vẫn giữ
mùi thơm ngon của lúa nương.
Ngoài trời
vẫn đang se se lạnh, ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thưởng thức vị thơm ngon, dẻo
của món bánh dầy truyền thống của người H’Mông mới cảm nhận được những nét đẹp
độc đáo trong phong tục tập quán riêng của họ. Miếng bánh dầy không màu, không
có vị mặn, ngọt như bánh chưng, nhưng càng nhai, thưởng thức lâu mới thấy vị
ngọt của hạt gạo, sự đoàn kết của một dân tộc.