Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hoạt động trở lại
Cập nhật: 27/12/2011
Tháng 1/2012, Điện Long An - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (3 Lê Trực, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ bắt đầu hoạt động trở lại phục vụ khách du lịch sau quá trình tạm ngừng (từ tháng 4/2008 đến nay) để trùng tu.

Điện Long An thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị.

Năm 1847, khi vua Thiệu Trị mất, Điện Long An là nơi lưu giữ thi hài nhà vua suốt 8 tháng trước khi làm lễ an táng và sau đó trở thành nơi thờ phụng long vị của nhà vua cho đến khi Pháp chiếm đóng vào năm 1885. Năm 1908, Điện Long An được sử dụng làm thư viện cho trường Quốc Tử Giám với tên gọi mới là Tân Thơ Viện. Năm 1923, công trình này trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật quý của cung đình. Hiện nay, Điện Long An là nơi trưng bày các cổ vật cung đình Huế và là một trong những bảo tàng cổ có kiến trúc đẹp nhất.

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế gồm các bộ sưu tập phong phú và đa dạng, phần lớn tập trung vào mảng đề tài mỹ thuật thời Nguyễn (1802-1945), gồm: bộ sưu tập y phục của hoàng gia, bộ sưu tập đồ sứ, những bức tranh vẽ trên gương có niên đại trên 150 năm, những bộ nhạc khí dùng trong các lễ hội cung đình…

Bảo tàng hiện có 10.801 hiện vật cổ, bao gồm 8.388 hiện vật đang được trưng bày, lưu giữ tại đây; và 2.413 hiện vật ở 12 cơ sở, di tích khác, gồm: đồ gốm sứ, gỗ, đồng, kim loại quý, vải, pháp lam, đá, xương, ngà, sừng, điêu khắc trên đá… Trong đó, có nhiều bộ sưu tập quý được trưng bày, giới thiệu với du khách như: bộ sưu tập cành vàng lá ngọc; bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa; bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu; bộ sưu tập hiện vật kim loại quý; bộ sưu tập đồ uống trà bằng đất nung; bộ sưu tập đồ gỗ, sứ phương Tây...

Phần trưng bày ngoại thất cũng giới thiệu nhiều bộ sưu tập chuông, vạc đồng và đồ sứ ký kiểu phục chế.

Đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam lưu giữ số lượng hiện vật khổng lồ về thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Vietnam+