Ngày 17/9/2007, đoàn làm phim của hãng truyền hình quốc tế CNN đã bấm máy tại Hạ Long cho video clip quảng bá du lịch Việt Nam. Cảnh đầu tiên thực hiện từ tầng cao nhất của khách sạn Sài Gòn - Hạ Long và Halong Plaza.
Đoàn CNN có 5 người, gồm đạo diễn sáng tạo Veronica Phua, đạo diễn phim Lum Chee Kin, đạo diễn hình ảnh Goh Meng Hing, quản lý Ong Tiong Huat và quay phim Kin Chuan. Cả 5 người đều là những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong làm phim quảng cáo của CNN.
Sang Việt Nam lần này, các nhà làm phim mang theo khá nhiều thiết bị, trong đó có một máy quay Betacam kỹ thuật số với ống kính chuyên dụng loại hiện đại nhất, trị giá hơn 150.000 USD. Tham gia đoàn còn có các phụ tá kỹ thuật người Việt.
“Đẹp quá!”, nhà quay phim Kin Chuan thốt lên đầy cảm xúc. Bãi Cháy nhìn từ trên cao trong một buổi chiều thu đẹp như một bức tranh phong cảnh. Những bãi tắm nước xanh thăm thẳm và núi đá của khu du lịch Tuần Châu cũng gây ấn tượng mạnh với các nhà làm phim.
Cầu Bãi Cháy, nơi được ví như cung đàn Hạ Long, theo đạo diễn hình ảnh Goh Meng Hing, cây cầu sẽ tuyệt vời hơn trong ánh đèn vàng buổi tối. Thế là cả đoàn cùng quyết định sẽ dành nguyên buổi tối 17/9 để quay những cảnh ấn tượng của cầu Bãi Cháy cùng các dịch vụ du lịch của Hạ Long.
Theo chị Đặng Vân, chuyên viên Sở Du lịch Quảng Ninh - người dẫn đoàn đến các địa điểm du lịch, các nhà làm phim CNN rất thích cách nấu ăn của người Việt Nam. “Họ cũng tỏ ra ngạc nhiên vì kiến thức nền rất tốt về du lịch của các nhân viên khách sạn”, chị Vân cho biết.
Một nửa thời lượng của video clip quảng bá cho du lịch Việt Nam sẽ là cảnh đẹp của vịnh Hạ Long. Vì thế, các nhà làm phim dành tới ba ngày 18, 19 và 20/9/2007 để quay những cảnh đẹp như thần tiên trên vịnh Hạ Long và động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, bãi Titop...
Ngẫu hứng với những nét văn hóa Hà Nội
Trước đó, đoàn làm phim của CNN đã dành 4 ngày ở Hà Nội để quay nhiều cảnh tại Lăng Hồ Chủ tịch và nơi ở của Người. Ngoài ra, hình ảnh Phủ Chủ tịch, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và múa rối nước cũng được ghi lại.
Làm việc rất khẩn trương nhưng cũng đầy ngẫu hứng, đôi khi, những hình ảnh mà ta cho rất quen lại gây ấn tượng mạnh với những nhà làm phim, như một mảng tường mới sơn xen lẫn những rêu phong cổ kính trên phố cổ.
Khi ngang qua phố Phan Đình Phùng, dù không có trong kịch bản nhưng những nhà làm phim vẫn dừng lại khá lâu để quay cảnh những chiếc xe hoa đủ màu sắc xếp dọc vỉa hè.
Đạo diễn Lum Chee Kin mua một lúc 6 bó hoa của những người bán rong và cho biết, đây là nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội mà không phải ở đâu cũng có được. “Được thưởng thức những danh lam thắng cảnh, ẩm thực độc đáo cũng như hiểu biết thêm về văn hóa VN đã khiến chúng tôi quên đi những mệt mỏi của mình” - đạo diễn Lum Chee Kin cho biết.