Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Đây là mục tiêu chung của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 11,5-12%/năm.
Năm 2015, Việt Nam đón 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5 - 6% vào GDP cả nước.
Năm 2020, khách du lịch quốc tế tăng lên khoảng 10,5 triệu lượt và khách du lịch nội địa tăng lên khoảng 48 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
Hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch
Để góp phần đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam sẽ quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch quốc gia; khu tuyến, điểm du lịch địa phương và đô thị du lịch.
Đồng thời, phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch. Cụ thể:
Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng là tham quan thắng cảnh biển, du lịch văn hóa với các giá trị của nền văn minh lúa nước và các nét sinh hoạt truyền thống khu vực đồng bằng Bắc Bộ, du lịch đô thị.
Vùng Bắc Trung Bộ, sản phẩm du lịch đặc trưng là tham quan, tìm hiểu các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới; du lịch biển; du lịch sinh thái, di tích văn hóa, lịch sử...
Thu hút các phân đoạn thị trường khách du lịch lưu trú dài ngày
Đối với phát triển thị trường khách du lịch, tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia.
Về đầu tư và chính sách phát triển du lịch, Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch, có chính sách liên kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế.