Đất nước vào xuân với khí thế và quyết tâm mới. Năm 2011 vượt lên thách thức và khó khăn chung của toàn cầu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cả nước đã chung sức, chung lòng vượt lên những thách thức, khó khăn, đạt được những thành tựu cơ bản về kinh tế-xã hội. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2012, với tinh thần “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch phát triển hiệu quả, bền vững”, ngày đầu của năm, toàn ngành đã triển khai kế hoạch và các hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, ổn định an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cùng với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, ngành du lịch đã có những đóng góp xứng đáng trong việc thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt hơn 130 nghìn tỷ đồng, đóng góp trên 5% GDP và tạo ra trên 1,3 triệu việc làm. Đầu tư của nhà nước và tư nhân vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch ngày càng tăng. Hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch được hoàn thiện, làm thay đổi diện mạo và ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của ngành du lịch trong đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia của các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, vịnh Hạ Long đã được bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, mở ra hướng phát triển thuận lợi cho du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng.
Bước vào năm 2012, quá trình thực hiện nhiệm vụ và các mục tiêu của ngành Du lịch đang có nhiều thuận lợi như: Xu hướng du lịch ngày càng trở nên phổ biến, du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2012, số khách du lịch quốc tế sẽ đạt 1 tỷ lượt, thu nhập du lịch vượt qua 1.000 tỷ USD. Ở trong nước cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp, ngành du lịch tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2011 để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, “Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nền tảng cơ bản và định hướng phát triển lâu dài với những mục tiêu hết sức cụ thể và quan trọng: “Phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới”. Chiến lược nhấn mạnh tới chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu cụ thể của chiến lược được đặt ra là tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt từ 11,5 đến 12% năm. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón từ 10 đến 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp từ 6,5 đến 7% GDP cả nước, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó có 870.000 lao động trực tiếp làm du lịch. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
Trong năm 2012, dự báo chính trị, kinh tế thế giới sẽ có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế - xã hội nước ta và ngành du lịch vốn rất nhạy cảm nói riêng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong cùng khu vực trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, đang ngày càng trở nên gay gắt. Để thực hiện tốt những mục tiêu cụ thể, trước mắt cũng như lâu dài mà “Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đặt ra, đồng thời để du lịch thật sự đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, vùng sâu, vùng xa, toàn ngành du lịch cần phải tập trung làm chuyển biến mạnh mẽ các lĩnh vực như: xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao để đáp ứng nhu cầu của du khách trên cơ sở phát huy, khai thác sự độc đáo, đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc, sự phong phú, ưu đãi của thiên nhiên ở nước ta. Đồng thời, tích cực nghiên cứu nhu cầu của các đối tượng khách tại các thị trường khác nhau, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, phát triển thành những thương hiệu du lịch nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tập trung ưu tiên phát triển loại hình du lịch biển, đảo, lịch sử văn hóa, di sản, sinh thái, MICE… Đặc biệt, cần phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch.
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự đột phá trong quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Phát triển nhân lực du lịch cần bảo đảm về cả chất lượng cũng như số lượng, cân đối ngành nghề, trình độ đào tạo phải ngày càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Phải đa dạng hóa các hình thức, loại hình đào tạo, khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.
Đối với công tác quản lý Nhà nước về du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về du lịch; sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, theo hướng thông thoáng, cải cách hành chính, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý về du lịch từ Trung ương đến địa phương, đồng thời tạo sự chủ động, năng động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp du lịch... Trong đó, cần nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch, gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Phát triển du lịch không chỉ đặt ra chỉ tiêu số lượng, thu nhập, việc làm, giá trị gia tăng mà cần phải phát triển theo chiều sâu, lấy sự hài lòng, thỏa mãn và chất lượng hưởng thụ của du khách làm tiêu chí phát triển.
Cùng với các giải pháp đề ra, cán bộ toàn ngành du lịch cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI; bám sát thực tiễn có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, với tinh thần "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, vượt qua thách thức", góp phần phát triển sự nghiệp Văn hóa, Gia đình, Thể dục Thể thao và Du lịch hiệu quả, bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác đã đề ra trong năm 2012.