Phát triển du lịch M.I.C.E thông qua việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại
Cập nhật: 08/02/2012
Công tác đối ngoại của Đà Nẵng hiện đang rất được chú trọng với việc đón tiếp khoảng 100 đoàn khách quốc tế mỗi năm, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước; cử trên 300 đoàn ra nước ngoài, trong đó có các đoàn cán bộ, lãnh đạo của thành phố đi công tác các nước để mở rộng hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại lớn như: hội nghị Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á AIPO (2002), hội nghị Đầu tư Đà Nẵng (2003), cuộc họp nội các Việt Nam - Thái Lan (2004), các hội nghị Bộ trưởng trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam 2006, hội nghị Doanh nhân kiều bào 2006, tuần lễ Hành lang kinh tế Đông - Tây 2007, cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2009 và các hội nghị ASEAN tại Đà Nẵng (2009 - 2010) đã đưa thành phố lên một vị thế mới như là một địa điểm hấp dẫn cho các sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế.

Việc Đà Nẵng đăng cai các hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế có quy mô và sức lan tỏa lớn như vậy không chỉ góp phần vào thành công chung của ngoại giao Việt Nam, tạo được tiếng vang và quảng bá hữu hiệu hình ảnh thành phố mà còn góp phần xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Đặc biệt, đối với chủ trương thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, các hoạt động này đã góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh một thành phố thanh bình, hiếu khách và năng động. Cụ thể hơn, đối với việc phát triển loại hình du lịch M.I.C.E - một loại hình du lịch còn khá mới mẻ ở nước ta, các hoạt động đối ngoại càng có vai trò quan trọng vì một số lý do sau.

Trước tiên, do đây đều là các hoạt động đối ngoại mang tầm khu vực và quốc tế, số lượng khách tham dự thường đông và đa dạng, từ chính khách cùng phu nhân/phu quân đến các học giả, doanh nhân; thành phần khách đến từ nhiều quốc gia và mang nhiều quốc tịch khác nhau.

Thứ hai, các sự kiện đó thường kéo dài trong nhiều ngày và kết hợp giữa hội nghị, hội thảo, diễn đàn chính thức với các hoạt động phụ trợ. Ví dụ như đối với tuần lễ Hành lang kinh tế Đông - Tây năm 2007, ngoài diễn đàn Hợp tác Đầu tư - Thương mại - Du lịch còn có hội chợ thương mại - du lịch, tour caravan và các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao. Nhờ đó, các khách mời có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng và các địa điểm du lịch của thành phố cũng như các địa phương lân cận, làm cơ sở ban đầu khuyến khích họ tìm đến lần thứ hai để khám phá.

Thứ ba, việc tổ chức thường xuyên các hoạt động và sự kiện lớn sẽ giúp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các ngành liên quan tại Đà Nẵng, từ các sở, ban, ngành cho đến các đơn vị lữ hành, các cơ sở lưu trú và cả người dân thành phố; từ đó góp phần vào việc phát triển các dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan, du lịch.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển loại hình du lịch M.I.C.E, đưa Đà Nẵng thực sự trở thành “điểm đến hấp dẫn của khách du lịch M.I.C.E”, hoạt động đối ngoại của thành phố sẽ được nâng lên tầm cao hơn, cụ thể:

Du lịch M.I.C.E bao gồm: hội họp (meeting), khen thưởng (incentive), hội nghị, hội thảo (convention) và triển lãm (exhibition). Tuy nhiên, từ trước đến nay, lĩnh vực “khen thưởng” và “triển lãm” còn chưa nhận được sự chú ý đúng mức. Để khai thác tối đa các khía cạnh của loại hình này, tại các sự kiện đối ngoại lớn, Đà Nẵng sẽ vận động các doanh nghiệp có đại diện tham gia tổ chức đồng thời các hình thức khen thưởng nhân viên, tri ân khách hàng cùng lúc với sự kiện. Cũng có thể kêu gọi các đơn vị chuyên tổ chức triển lãm đứng ra tổ chức các triển lãm có uy tín nhân các dịp đó.

Ngoài ra, để Đà Nẵng ngày càng trở thành lựa chọn hàng đầu đối với các nhà tổ chức sự kiện quy mô trong khu vực và quốc tế, thành phố cần không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành liên quan như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ cùng các đơn vị kinh doanh lữ hành và lưu trú để có kế hoạch xúc tiến, liên kết và triển khai các hoạt động M.I.C.E một cách đồng bộ và kịp thời. Các tour, tuyến tham quan, khảo sát thực địa đi kèm các hoạt động đối ngoại cũng cần có sự đổi mới và tạo được dấu ấn riêng, phù hợp với đối tượng khách tham dự và chủ đề của từng sự kiện, tránh tình trạng còn nghèo nàn và lặp lại như hiện nay.

M.I.C.E là một thị trường hấp dẫn nhưng còn khá mới, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và sáng tạo cao. Đà Nẵng có ưu thế là ngày càng được biết đến như một thành phố hài hòa, an lành và trật tự, thuận lợi về giao thông, có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh... Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương khác trong nước và khu vực cũng đang quan tâm đến thị trường M.I.C.E, dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì thế, để phát triển loại hình du lịch này, góp phần đưa Đà Nẵng thành “thành phố sự kiện”, bên cạnh việc tự nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ và tăng cường nguồn nhân lực, thành phố cũng cần xúc tiến công tác quảng bá, giới thiệu ra bên ngoài, đồng thời duy trì tốt quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài. Chính môi trường thân thiện và hợp tác của các mối quan hệ quốc tế đó sẽ là một trong những cơ sở thu hút sự chú ý của các nhà tổ chức sự kiện, là “nam châm” hút các hoạt động lớn về với thành phố.
Sở VHTTDL Đà Nẵng