Độc đáo hương sắc Việt Bắc giữa Tây Nguyên
Cập nhật: 07/02/2012
Trong 3 ngày, từ 4- 6/2 (tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc đã diễn ra tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương về dự hội.

Là một huyện có tới 22.000 dân là đồng bào các dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Thái, Mông), nên Krông Năng là một Việt Bắc thu nhỏ giữa lòng Tây Nguyên. Vào Tây Nguyên làm ăn sinh sống, nhưng đồng bào vẫn luôn hướng về quê cũ và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình trong cuộc sống hàng ngày.  

Lễ hội đã tái hiện lại những nét sinh hoạt và nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc mà người Tây Nguyên chưa hề được chứng kiến như: cách chưng cất rượu ngô men lá, quay heo ủ lá móc mật, gói bánh chưng, làm bánh giầy, bánh khảo, bánh gù, làm cơm lam, gà nướng, được xem múa xoè Thái, nghe hát then, hát lượn, đua bè tre của đồng bào Tày, múa lân của người Nùng, xem trai gái tung còn, xem những người đàn ông mặc áo chàm, ngồi quây quần uống rượu bằng thìa và nghêu ngao hát khi men đã ngấm...  

Ông Nguyễn Đại Hà, Chủ tịch UBND xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết: Lễ hội văn hoá dân gian Việt Bắc không chỉ giúp đồng bào bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá độc đáo của dân tộc mình, mà còn là cách để giới thiệu tới toàn thể cộng đồng các dân tộc khác đang chung sống trên địa bàn một "mâm cỗ" tinh thần quý giá của đồng bào Việt Bắc - quê hương cách mạng Việt Nam, làm phong phú thêm cho ngày xuân bản địa, để các dân tộc có dịp thưởng thức, giao lưu, từ đó hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn trong cuộc sống.

Vietnam+