Ngày 14/2, tại thành phố Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học quốc
tế "Du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh".
|
Vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh đẹp thế giới |
Tham dự hội thảo có Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Nguyễn
Ngọc Thiện; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Nguyễn Văn Tuấn; cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia
trong nước và nước ngoài như Đức, Hoa Kỳ, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Nhật
Bản, Hàn Quốc,... và đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Cao cho biết, những
năm qua, đặc biệt từ sau khi quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là
Di sản văn hóa thế giới, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn,
phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan; đồng thời, hướng đến phát
triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Tỉnh ưu tiên đầu tư vào các
dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái bảo tồn
môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, hướng đến loại hình du lịch trải
nghiệm.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng khẳng định Huế đang là
một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng với những cảnh quan hấp dẫn du khách
như: vườn quốc gia Bạch Mã, hệ đầm phá Tam Giang, khu bảo tồn thiên nhiên Phong
Điền còn ẩn chứa những vẻ đẹp nguyên thủy; vịnh Lăng Cô được công nhận là một
trong những vịnh đẹp thế giới; sông Hương được xem là dòng sông sạch nhất của
Việt Nam
chảy qua thành phố... Mặt khác, thế giới đang gặp phải vấn đề biến đổi khí hậu,
du khách ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng môi trường và chất lượng dịch vụ
để lựa chọn điểm đến cho mình. Huế phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng
xanh là cần thiết, phù hợp với xu thế lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong đó, cảnh quan thiên nhiên là một loại di sản hấp dẫn du khách, không thua
kém di sản kiến trúc cung đình, di sản văn hóa đô thị mà Huế đang sở hữu.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng Việt Nam nói
chung và tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng đang có nhiều cơ hội để phát triển du
lịch xanh bền vững, song bên cạnh đó cũng đứng trước rất nhiều thách thức, đặc
biệt là di sản văn hóa rất dễ bị tổn thương, trong khi môi trường chưa được
kiểm soát toàn diện.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia đã đề xuất, đưa ra nhiều
ý tưởng, nhiều mô hình du lịch xanh thành công trên thế giới có tính thực tiễn
cao như: mô hình du lịch nông thị; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; xu
hướng kiến trúc thân thiện với môi trường; du lịch di sản, mua sắm, giải trí… Riêng
với Thừa Thiên Huế, theo KTS Hoàng Đạo Kính và Nhà sử học Dương Trung Quốc thì
phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở đây cần xuất phát từ đặc thù
vốn có về di sản văn hóa, di sản thiên nhiên... trong đó chú trọng nâng cao
chất lượng sống ít lệ thuộc vào tiện nghi.
Ông Lal Kurukulasuriya (Sri Lanka), Cố vấn cao cấp của
Chương trình Liên hợp quốc về môi trường đưa ra 10 thông điệp cốt lõi để phát
triển du lịch xanh tại Huế. Trong đó, khuyến cáo đầu tư vào việc xanh hóa nền
du lịch có thể giúp giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải và nâng cao giá
trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản thế giới.
Theo ông Thái Quang Trung, Chủ tịch Hệ thống Thế Giới Xanh
(GreenWorld System): với vốn văn hóa lâu đời và phong cách sống của người Huế
cần thúc đẩy yếu tố “hiếu khách” gắn với việc xây dựng du lịch cộng đồng bền
vững tại Huế. Đây là những nhân tố để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng
xanh tại thành phố này.
Với tất cả các giải pháp sáng tạo và thân thiện với môi
trường, các đại biểu đều hi vọng, trong tương lai không xa, Thừa Thiên – Huế sẽ
trở thành một điển hình của du lịch xanh Việt Nam.
Phạm Phương (TTTTDL)