Di tích lịch sử, văn hóa - điểm tham quan thú vị đầu xuân
Cập nhật: 17/02/2012
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, đầu xuân bao giờ cũng là mùa trẩy hội, là dịp viếng thăm các đình, đền, chùa, các di tích lịch sử truyền thống của quê hương, dân tộc.

Ở Ninh Bình, ngay từ những ngày đầu năm mới 2012, các di tích lịch sử nổi tiếng như: di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, đền Dâu, đền Quán Cháo... luôn tấp nập du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu về giá trị truyền thống của các di tích.

Ngày rằm tháng Giêng, khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trong dòng người đổ về Cố đô, có những người khách cao tuổi đã tỏ ra rất xúc động. Bác Nguyễn Đình Liên (Việt kiều ở Mỹ) chia sẻ: Là giáo sư dạy Sử ở một trường trung học tại Hoa Kỳ, tôi vẫn thường giảng cho học sinh của mình những kiến thức về lịch sử nước Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lý thuyết. Thực tế khi về mảnh đất Cố đô, được trực tiếp nghe thuyết minh về công lao cũng như những đóng góp rất lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng và Đức Lý Thái Tổ, tôi thêm hiểu những giá trị của truyền thống dân tộc.

Góp vui trong câu chuyện đầu xuân mới, cô hướng dẫn viên Đào Thị Mỹ Dung cho biết thêm: Hàng năm, từ sau Tết Nguyên đán cho đến sau Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, khu di tích đón rất đông các đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Để giúp du khách thêm hiểu giá trị của di tích lịch sử cũng như thân thế, sự nghiệp của hai đời vua Đinh - Lê, bản thân mỗi hướng dẫn viên luôn tìm hiểu thêm từ sách báo, tài liệu để trao đổi, giải đáp những băn khoăn của du khách về các triều đại Đinh - Lê - Lý.

Được biết, cùng với việc đón tiếp các đoàn khách du lịch, khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư còn đón tiếp nhiều đoàn học sinh đến từ các trường THPT, THCS trên cả trong và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử. Do đó, Ban Quản lý khu di tích luôn quan tâm, duy trì sinh hoạt chuyên môn hàng tháng để trau dồi, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, nhất là kiến thức về lịch sử, phong cách hướng dẫn, khả năng truyền đạt thông tin... để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Từ đầu năm đến nay, khu di tích đã đón gần 18.000 lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu nằm kề bên núi Thúy, sông Vân (thành phố Ninh Bình) nhiều năm nay cũng là một địa điểm thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch. Cụ Nguyễn Ngọc Điến, thủ từ Đền cho biết: Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu hàng năm thu hút khá đông du khách đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân đối với danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, người có nhiều công lao đóng góp cho sự học ở đất Ninh Bình. Do đó, ngay từ mồng 1 Tết Nguyên đán đã có nhiều gia đình dẫn theo con, cháu đang độ tuổi đi học đến tham quan, chiêm bái, tạo thành nét đẹp văn hóa đầu xuân.

Được chứng kiến cụ thủ từ tiếp đón một đoàn khách từ Hà Nội đến tham quan mới thấy hết được nét tinh tế, văn minh trong hoạt động du lịch nơi đây. Mặc dù không gian của đền nhỏ, khách thì đông nhưng không có sự chen lấn, xô đẩy, ồn ào. Ai nấy vào đền đều thành kính, dâng nén hương thơm cầu xin những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình rồi ra ngoài tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của cụ Trương Hán Siêu, đọc và suy ngẫm các bài thơ nổi tiếng của cụ được treo ở 2 bên cửa phụ của đền.

Có người muốn tìm hiểu kỹ hơn, đều được cụ thủ từ giảng giải cặn kẽ. Là người được UBND thành phố tín nhiệm giao nhiệm vụ trông coi đền, cụ Nguyễn Ngọc Điến, một đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng không chỉ làm tròn trách nhiệm của người thủ từ, mà với tấm lòng thành kính và trân trọng cái đức, cái tài của danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, cụ Điến còn thuộc rất nhiều bài thơ, bài phú để đọc cho khách du lịch nghe.

Trong những ngày đầu xuân năm mới, cùng với các điểm du lịch, các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần làm tăng lượng khách du lịch đến tỉnh, đồng thời tạo nên nét đẹp văn hóa trong hoạt động du lịch, lễ hội của Ninh Bình.
Báo Ninh Bình