Ngày 23/2,
hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã về sân vận động huyện Quảng
Uyên để tham dự lễ hội pháo hoa. Đây là lễ hội lớn của tỉnh Cao Bằng, được tổ
chức vào ngày mùng 2/2 âm lịch hàng năm ở huyện Quảng Uyên.
Lễ hội này
gắn liền với miếu Bách Linh - ngôi miếu rất linh thiêng trong tâm thức người
dân nơi đây. Miếu nằm ở phía bắc thị trấn Quảng Uyên, dưới chân ngọn núi Cốc
Bó. Miếu thờ 100 điều thiêng, đứng đầu là con rồng, một trong tứ linh (long,
ly, quy, phụng). Không ai còn nhớ miếu được xây dựng năm nào. Miếu ban đầu bằng
gỗ, đến năm Khải Định thứ 6 (1912), được làm lại bằng gạch, do Tri châu Quảng
Uyên người Thái Bình đứng ra tổ chức xây dựng.
Người dân
nơi đây vẫn quen gọi là “chùa Bách Linh”. Ngày mùng 2/12/2003, miếu được Ủy ban
Nhân dân tỉnh Cao Bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm,
tại đây, người dân nô nức kéo đến dự lễ hội pháo hoa để tinh thần thêm phấn
chấn, trước khi bước vào một vụ mùa mới, hứa hẹn nhiều điều may mắn.
Lễ rước
thần (thực hiện vào ngày hội chính, tức ngày 2/2 âm lịch) gồm có 4 đoàn rước
kiệu, trước đây chỉ có 3 kiệu, sau này có thêm kiệu rước ảnh Bác Hồ, mỗi kiệu
có 4 người khiêng, mặc lễ phục. Chiều mùng 2/2, phần hội được tổ chức tại sân
vận động trung tâm huyện. Tại đây diễn ra nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn
văn nghệ như múa rồng, múa lân, tung còn, hát lượn, chơi đu và nhiều hình thức
thể thao như bóng đá, cờ tướng, võ dân tộc...
Một phần
không thể thiếu và là trò chơi tiêu biểu của lễ hội pháo hoa là trò cướp đầu
pháo. Đầu pháo là một chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ. Quả pháo
được quấn chiếc vòng này là quả pháo cỡ lớn. Vào hội, pháo được đặt trên một
đài cao. Sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, mọi lực sỹ của các đội
trong huyện bắt đầu tranh cướp. Bằng mọi cách, hễ người của đội nào cầm được
đầu pháo mang đến cho Ban Tổ chức, coi như đội đó thắng cuộc.
Vì ngày nay
cấm đốt pháo, nên Ban Tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao
rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh cướp như thường lệ. Người dân
địa phương quan niệm rằng trong ngày hội, ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm
sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Xã nào
thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước
thần. Phần thưởng đó do đoàn rước đưa về tận địa phương. Và cỗ kiệu cũng được
để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm.
Đến lễ hội
pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu,
đoàn rước rồng sẽ đến lấy làm lễ rước thần, đồng thời làm phần thưởng cho đội
thắng cuộc thi năm đó.