Vinh danh mảnh đất liệt oanh thời Trần tại cụm di tích đền A Sào (Thái Bình)
Cập nhật: 28/02/2012
Từ 2-4/3, UBND huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) sẽ tổ chức Lễ hội đền A Sào nhằm vinh danh mảnh đất liệt oanh thời Trần; đồng thời đón bằng di tích cấp Quốc gia và công bố quy hoạch xây dựng quần thể cụm di tích đền A Sào với diện tích 31,7 ha.

Miếu thờ tượng voi đá tại khu di tích Bến Tượng
Đền A Sào còn gọi là Đệ nhị sinh từ thời Trần Hưng Đạo. Đền nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tọa lạc trong đất thuộc thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, phụ thân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nơi hội tụ khí thiêng góp phần hun đúc nên Đức Thánh Trần. Khi chống giặc Nguyên – Mông, triều đình giao cho Trần Quốc Tuấn về vùng đất này xây dựng căn cứ dự trữ binh lương. A Sào nghĩa là cái tổ của nhà Trần, cũng là nơi đặt đại bản doanh của Trần Hưng Đạo cùng nhiều trang ấp khác ở đất này đã được lưu danh trong lịch sử dân tộc.  

Sử sách lưu truyền rằng: Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ nhất diễn ra, Trần Hưng Đạo lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã được phong tước Thượng Vị Hầu và được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào.    

Trước cuộc kháng chiến lần thứ hai, đích thân vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (nay gồm các phần đất của Thái Bình và Hải Phòng) thành một phòng tuyến triển khai thế trận thủy chiến. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương. A Sào đã trở thành đất Thánh trong thế trận thủy chiến chống Nguyên - Mông ở vùng duyên hải phía Bắc. Cũng từ đó trở đi, các địa danh ở vùng quê này đã gắn liền với lịch sử diệt giặc Thát và trường tồn cùng lịch sử dân tộc như: Mễ Thương (kho gạo), Am Qua (kho gươm), Đại Nẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần)...  

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 3 (1288), Hưng Đạo Đại Vương đã được giao thống lĩnh quân đội. Một lần chỉ huy quân đội nhà Trần vượt sông Hóa tiến công địch, qua bến sông thuộc đất A Sào, voi chiến của Ngài bị sa lầy. Nhân dân nơi đây đã đóng bè mảng đưa Ngài cùng tướng sỹ vượt sông và giã hàng ngàn chiếc bánh giày bằng giống gạo nếp thơm cho quân đội nhà Trần làm lương ăn. Cảm kích trước tấm lòng dân và để khích lệ quân sĩ, Trần Hưng Đạo đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông mà thề: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không về bến sông này.”  

Sau ngày toàn thắng giặc Nguyên, nhân dân đã lập sinh từ thờ Ngài gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào), trong khuôn viên có hồ Tắm Tượng, có sinh bia; gần đó có gò Đóng Yên và nhiều linh khí khác. Bến sông nơi quân lính nhà Trần đi qua còn có tên Bến Tượng, có miếu thờ tượng voi. Hàng năm dân làng mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Ngài. Theo truyền thống, hàng năm dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ. Lễ hội làng A Sào là một lễ hội lớn trong vùng.  

Trải qua hơn 700 năm với bao cơn binh lửa và thăng trầm lịch sử, quần thể di tích đã bị hư hỏng nhiều. Để lưu giữ linh khí và tinh thần của vùng đất thiêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cho khu di tích đền A Sào – Bến Tượng – đình Mễ Thương. Trong đó, đền A Sào chính là Đệ nhị sinh từ mà nhân dân vẫn gọi là A Sào linh miếu; Bến Thượng là nơi có miếu và tượng voi thờ; đình Mễ Thương là nơi đặt kho gạo cung cấp lương ăn cho quân đội nhà Trần, xưa nay vẫn được lưu truyền là Mễ Thương thắng tích.    

Lễ hội sẽ có các hoạt động văn hóa, thể thao như các trò chơi dân gian đấu vật, cờ tướng; trình diễn màn sử thi Đất thiêng A Sào. Đặc biệt, trong lần lễ hội này còn có màn kéo chữ của 5 thôn trong xã nhằm tái hiện lại cách sắp quân nhà Trần khi xưa. Cũng trong dịp này, UBND huyện Quỳnh Phụ công bố quy hoạch xây dựng quần thể cụm di tích đền A Sào với diện tích 31,7 ha, trong đó có nhiều hạng mục lớn, xứng tầm với lịch sử và đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.

Vietnam+