Khai mạc Lễ hội Bà Thu Bồn tại Quảng Nam
Cập nhật: 05/03/2012
Tối ngày 3/2/2012 (nhằm ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Thìn), tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Lễ hội Bà Thu Bồn được khai mạc với sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng và du khách cùng lãnh đạo chính quyền địa phương…

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Duy Tân, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn năm nay cho biết: Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian và đặc trưng văn hóa vùng miền của cư dân nông nghiệp và ngư nghiệp; thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc Kinh, Chăm và một số dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Thu Bồn - Vu Gia (Quảng Nam). Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch; là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính, biết ơn sự che chở của bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no.   

Theo nhiều bô lão đang sống tại làng Thu Bồn, có nhiều truyền thuyết về “Bà Thu Bồn” nhưng thuyết phục hơn cả là câu chuyện kể về Bà Thu Bồn (hay còn gọi là bà Bô Bô) – một công chúa của Vua Mây bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa và bị giặc giết. Xác Bà được thả trôi trên sông và trôi về làng Thu Bồn, dân trong làng thương tiếc đem chôn. Năm đó, Thu Bồn có bệnh dịch đậu mùa, bà linh ứng cứu người thoát chết.  

Cũng có truyền thuyết cho rằng, bà là nữ tướng Chăm, khi chiến đấu chết, xác trôi về làng Thu Bồn. Năm đó làng Thu Bồn hạn hán mùa màng thất bát, dân đói khổ cơ hàn, Bà linh ứng về giúp dân chống đói, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, dân làng no ấm.  

Ông Nguyễn Tiến cho rằng, truyền thuyết dân gian kể về Bà Thu Bồn rất đa dạng; các vua triều Nguyễn phong sắc bà là Bô Bô phu nhân, là thượng đẳng thần - một vị thần có quyền năng làm quốc thái dân an. Theo ông, “Dẫu có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn song đều có chung đặc điểm nổi bật rằng Bà là cô gái đẹp, là hiện thân của lòng thương yêu con người; biểu tượng của đức độ, tình đoàn kết của cư dân các dân tộc trong vùng; là ý chí vươn lên chiến thắng kẻ thù và đói nghèo. Bởi vậy, từ xa xưa cư dân trong vùng đã xây lăng thờ Bà và tổ chức lễ hội hàng năm để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính, cầu mong phước lành cho mọi người, cho xóm làng thịnh vượng, xây dựng niềm tin tốt đẹp trong cuộc sống.  

Ông Nguyễn Tiến cũng cho biết, với những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp từ Lễ hội Bà Thu Bồn, hàng năm chính quyền địa phương đều đứng ra tổ chức lễ hội và tập trung bảo vệ, trùng tu một số di tích có liên quan. Đặc biệt, năm 1997, Lăng Bà Thu Bồn đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa; từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Bà Thu Bồn được tỉnh đưa vào chương trình lễ hội "Quảng Nam - hành trình di sản".  

Cũng như mọi năm, năm nay phần nghi lễ của Lễ hội Bà Thu Bồn gồm có lễ rước nước thiêng trên sông Thu Bồn; rước sắc phong thần của Vua Minh Mạng cho Bà là “Thiên y a na Diễn Chi Ngọc Chu Thần” (hay còn gọi là “Bô Bô Thượng đẳng Thần”); rước "Ngũ hành tiên nương" (5 vị nữ tướng dưới quyền theo hầu Bà Thu Bồn) về lăng Bà để cúng tế; lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Lễ vật cúng có một con trâu (trâu tế sau khi bị giết, không xẻ thịt hay nấu chín mà để nguyên con, dùng huyết của nó bôi lên cúng) và mâm xôi lớn cùng nhiều hương, hoa, quả...  

Cùng với các hoạt động tế lễ, phần hội còn có các hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như: hô hát bài chòi, biểu diễn nghệ thuật, thả hoa đăng, thi kéo co, đấu bóng đá, bóng chuyền… đặc biệt là đua thuyền trên sông Thu Bồn ...

ĐCSVN