Ngày 29/2, tại TP. Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội thảo về thực hiện Luật Du lịch và Phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) nhằm trao đổi về tình hình triển khai Luật Du lịch, VTOS tại các doanh nghiệp, địa phương trong thời gian qua để từ đó lấy ý kiến bổ sung cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của VTOS trong thời gian tới.
Đây là hoạt động được sự hỗ trợ của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (ESRT) do Liên minh châu Âu tài trợ.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch; đại diện các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch, khách sạn, nhà hàng, Trung tâm đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ ngành du lịch thuộc khu vực miền Trung -Tây Nguyên…
Tại hội thảo, TS. Trịnh Xuân Dũng - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch đã trình bày những vấn đề đặt ra trong việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Du Lịch trên cơ sở pháp lý và thực tiễn. Luật Du lịch được Quốc hội khoá 11 thông qua tại kỳ họp thứ bảy (2005) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Trải qua thời gian, với thực tế phát triển của xã hội cho thấy còn tồn tại nhiều vướng mắc, đòi hỏi Luật Du lịch cần được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và tương lai để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các đại biểu cũng đã cùng thảo luận về những mặt thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai hệ thống VTOS tại các địa phương trong những năm qua, cũng như sự cần thiết phải hình thành “Cơ quan thẩm định và cấp chứng chỉ nghề Du lịch Quốc gia” trên cơ sở Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch (VTCB).
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất ý kiến cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến các lĩnh vực du lịch bền vững, có trách nhiệm; đề xuất những cơ sở pháp lý về bảo vệ quyền lợi của khách du lịch; cung cấp, phổ biến những tiêu chuẩn, kỹ năng mới nhằm đẩy mạnh việc triển khai hệ thống VTOS tại các cơ sở đào tạo cũng như hướng tới các đối tượng khó khăn ở khu vực miền núi và các vùng chưa được tiếp cận hệ thống VTOS.
Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) giới thiệu các tiêu chuẩn kỹ năng tương đương tiêu chuẩn quốc tế, gắn liền với hệ thống cấp thẩm định và chứng chỉ cho 13 nhóm nghề thuộc lĩnh vực khách sạn và lữ hành (buồng; lễ tân; an ninh khách sạn; nhà hàng; chế biến món ăn Âu, Việt Nam; làm bánh Âu; quản lý khách sạn nhỏ; đặt giữ buồng khách sạn; điều hành tour; đại lý lữ hành; hướng dẫn du lịch; đặt giữ chỗ lữ hành). Hệ thống được thực hiện dưới sự quản lý của Hội đồng Cấp chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB).
Hiện tại, Hệ thống VTOS đã có 14 Trung tâm thẩm định và 57 Trung tâm đánh giá, với 2.600 đào tạo viên của 644 đơn vị, bao gồm các công ty lữ hành, khách sạn và các trường đào tạo tham dự. VTCB đã tiến hành 453 kỳ thẩm định VTOS và cấp chứng chỉ cho 1. 200 nhân viên nghề đạt tiêu chuẩn. |
Thanh Hải (TTTTDL) biên tập