Trước thập niên 90 của thế kỷ 20, Bình Thuận là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kết cấu hạ tầng còn thiếu, lạc hậu và chưa đồng bộ, đặc biệc là ở vùng nông thôn - miền núi. Việc thu hút các dự án đầu tư hầu như chưa có nhiều...
Tuy nhiên, đến giữa năm 2011, Bình Thuận đã có 1.142 dự án đã được cấp phép đầu tư còn hiệu lực. Tổng số vốn đăng ký 87.379 tỷ đồng, gồm có: 415 dự án du lịch, 78 dự án nuôi trồng thủy sản, 200 dự án nông – lâm nghiệp, 203 dự án công nghiệp, 105 dự án dịch vụ, 129 dự án xăng dầu và 12 dự án khu dân cư. Trong đó 81 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 1.676 triệu USD. Trong đó, dự án du lịch chiếm một phần không nhỏ trong tổng dự án đầu tư vào Bình Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư là 54.719 tỷ đồng.
Du lịch Bình Thuận phát triển nhanh nhất là sau sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995, đã mở ra triển vọng phát triển mới. Từ đó thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc ven biển thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Hiện có 150 dự án đi vào hoạt động kinh doanh. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn cùng với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động. Du lịch hội nghị, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa; dịch vụ lữ hành, vận chuyển hành khách du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống được tổ chức gắn với yêu cầu phát triển du lịch. Hình ảnh, thương hiệu khu du lịch Mũi Né – Phan Thiết với nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đã được khẳng định đối với thị trường trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch khá cao và ổn định. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 36,9%/năm (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn 23%). Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng năm 2011 là 2,8 triệu lượt khách (năm 2000 là 513.000 lượt khách), tăng bình quân 16,7% /năm, trong đó khách quốc tế 260 ngàn lượt khách (năm 2000 là 53.000 lượt khách), chiếm 9,3%.
Kể từ sau khi tái lập tỉnh đến nay (tháng 4/1992), Bình Thuận đã từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,3%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2011 đạt 26,8 triệu đồng (tương đương 1.288USD, gấp 10 lần so với năm 1991); tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng được củng cố, là tiền đề từng bước đưa Bình Thuận trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực.