Đồng Tháp phát triển du lịch sinh thái và làng nghề
Cập nhật: 21/03/2012
Với lợi thế có nhiều tài nguyên du lịch phong phú như: vườn quốc gia Tràm Chim - nơi bảo tồn hệ sinh thái Đồng Tháp Mười cổ xưa với rất nhiều loài chim quý, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, làng hoa kiểng Sa Đéc, trong giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch Đồng Tháp sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên cơ sở khai thác triệt để các tài nguyên sẵn có, sản phẩm du lịch phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du lịch.

Đồng thời, tỉnh cũng gắn phát triển du lịch với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch mang tính bền vững.

Đồng Tháp có trên 10 cồn lớn, nhỏ nằm rải rác ở các huyện và nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Xẻo Quýt, tượng đài Gò Quản Cung-Giồng Thị Đam. Hơn thế, nơi đây còn có sự giao thoa của nhiều sắc thái văn hóa được thể hiện rõ nét qua những di tích Gò Tháp, chùa Bửu Lâm, dinh Ông Đốc Vàng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ ở thị xã Sa Đéc và huyện Hồng Ngự, chùa Kiến An Cung, chùa Hương, chùa Bà, chùa Tổ, đình Thần Tân Phú Trung, miếu Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn khá nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như Chiếu Định Yên, Nem Lai Vung, Dệt Choàng Long Khánh và các khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà... có thể phát triển loại hình du lịch tham quan kết hợp mua sắm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 đã đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch trong những năm tới: “Nâng cấp mở rộng khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, xây dựng các sự kiện, lễ hội văn hóa, tín ngưỡng kết hợp với du lịch, phát huy các khu bảo tồn sinh thái và di tích lịch sử-văn hóa ở Đồng Tháp Mười trở thành những điểm du lịch đặc trưng đủ điều kiện gắn kết với các tuyến du lịch trong và ngoài nước, xúc tiến thực hiện quy hoạch ngành du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch”.

Để phát huy được tiềm năng sẵn có, tỉnh đã xác định tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là hai điểm yếu của du lịch Đồng Tháp, vì vậy cần phải phát huy hơn nữa hai lĩnh vực này để du lịch phát triển. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch; trong đó ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu điểm du lịch trọng yếu của tỉnh như: khu di tích Gò Tháp, khu du lịch Xẻo Quýt, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, vườn quốc gia Tràm Chim, làng hoa kiểng Sa Đéc theo mục tiêu cuốn chiếu, không dàn trải, nâng dần giá trị và sức thu hút khách đến các khu điểm du lịch.

Tỉnh đầu tư mở rộng và phát triển các công trình dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí phù hợp tại các điểm, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, chú trọng phát triển hệ thống các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch, chủ yếu phát triển, tôn tạo các di tích văn hóa-lịch sử-cách mạng và các lễ hội, làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách để kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách.

Với những tiêu chí này, trong giai đoạn 2006-2010 tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các khu du lịch Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Gò Tháp và vườn quốc gia Tràm Chim; đồng thời các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đã mạnh dạn đầu tư, xây mới nâng cấp các nhà hàng, khách sạn và phát triển nhiều dịch vụ du lịch. Đến nay, các tuyến đường phục vụ du lịch đã được nâng cấp giải nhựa thông suốt, xe 4 bánh đều đã đi đến các điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trong xây dựng hạ tầng là “cầu yếu, mặt đường hẹp”.

Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, Đồng Tháp còn rất nhiều việc phải làm như: công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, công tác xã hội hóa về du lịch... Bình quân doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ đồng từ du lịch, vì vậy tỉnh phấn đấu đầu tư tương xứng làm bật dậy tiềm năng, thế mạnh du lịch sẵn có, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Vietnam+