Xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thiên nhiên Thế giới
Cập nhật: 22/03/2012
Từ ngày 19-20/3, Bộ VHTTDL đã tổ chức cho đoàn phóng viên báo chí đi thực tế tại Khu Du lịch sinh thái Tràng An và Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính. Đây cũng là dịp để Ninh Bình giới thiệu, quảng bá về Quần thể danh thắng Tràng An trong quá trình chuẩn bị xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.

Có giá trị nổi bật toàn cầu

Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích hơn 10.000ha, gồm 3 khu vực là: Khu Du lịch sinh thái Tràng An, Khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động và Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư. Trong đó toàn bộ Khu Du lịch sinh thái Tràng An, một phần Khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động và khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư là trung tâm, vùng lõi của di sản.


Được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”, Tràng An có cảnh quan tuyệt mỹ với sự hòa quyện liên hoàn của các dãy núi đá vôi, hồ nước và hang động trên diện tích khoảng 2.168 ha. Các nhà khoa học khẳng định Tràng An xưa là một vùng vịnh biển cổ, cách ngày nay khoảng 251 đến 200 triệu năm, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên.

Tràng An được các nhà khoa học coi như một “Bảo tàng địa chất ngoài trời”, bởi địa hình hang động và trầm tích nơi đây được kiến tạo từ một vùng biển thấp biến đổi qua hàng triệu năm vận động của hệ karst nhiệt đới. Đặc biệt, Tràng An có rất nhiều hang nước (hang sông) và hang khô lên tới hàng trăm, mỗi hang lại có những vết tích xâm thực của nước biển, đánh dấu quá trình biển tiến, biển lùi. Chỉ tính riêng số hang xuyên thủy đã được khảo sát là 48 hang động, xen lẫn 31 thung nước (hồ, đầm nước) tạo thành một tuyến tham quan khép kín; mỗi thung nước, hang động ở đây là một bức tranh đa sắc màu, biến đổi theo thời gian trong ngày.

Tràng An còn có hệ động thực vật độc đáo với hệ sinh thái trên cạn, dưới nước đan xen nhau. Hệ sinh thái trên cạn với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái dưới nước có khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là rùa cổ sọc là loài bản địa cần được bảo vệ khẩn cấp.

Bên cạnh những giá trị to lớn về cảnh quan và địa chất, Tràng An còn có những di chỉ khảo cổ học như hang Búi, hang Trống, núi hang Chợ… minh chứng cho quá trình sinh tồn và phát triển của con người tại mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Họ đã biết tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên ở nơi đây để định cư, sinh sống và đưa những giá trị văn hóa nơi đây vượt ra khỏi không gian văn hóa của khu vực, có tầm ảnh hưởng mạnh đến những khu vực khác. Nổi bật là kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X, với lối xây thành tận dụng mọi lợi thế của tự nhiên lấy núi làm thành, lấy sông làm hào để làm nên một kinh đô với lối kiến trúc mang dáng dấp một quân thành, có tính riêng biệt của nhân loại (kinh đô đá). Nơi đây còn có sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, kết nối với quần thể di tích lịch sử cố đô Hoa Lư… đã tạo nên một không gian văn hoá Hoa Lư huyền thoại.

Chung một quyết tâm

Nhận thức được tầm quan trọng, giá trị và hiệu quả của danh hiệu, UBND tỉnh Ninh Bình đang phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO đề nghị công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Việc xây dựng hồ sơ là công sức và tâm huyết của một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học thuộc Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam và các chuyên gia của địa phương…

Nếu Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới sẽ là động lực to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mở ra những cơ hội quảng bá, thu hút du khách đến với Ninh Bình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.



                                                                                     Thế Phi (TTTTDL)