Câu lạc bộ
bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam đã chính thức ra mắt ngày 21/3 tại đền Lưu
Phái, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội với sự tham dự của hàng trăm cung văn, nhà
nghiên cứu, cộng đồng thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu ở Hà Nội và một số
tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Đây là câu
lạc bộ thứ hai của Trung tâm bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, do Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đức
Thịnh làm Giám đốc.
Giáo sư, Tiến
sỹ Ngô Đức Thịnh cũng là Chủ nhiệm câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt
Nam cho biết, câu lạc bộ là nơi hội tụ những người hát văn dân gian chuyên nghiệp,
nhạc công dân gian phục vụ hát văn cùng với các nghệ sĩ hát văn, chơi đàn; đông
đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn.
Các thành
viên trong câu lạc bộ sẽ góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị của
nghệ thuật chầu văn như di sản văn hóa phi vật thể, tài sản quý giá của quốc
gia.
Cụ thể, các
thành viên sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu sưu tầm, tư liệu hóa nhằm tiến
tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật chầu văn; đào tạo và truyền
dạy các bản hát văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn đến với công
chúng trong và ngoài nước. Việc truyền dạy hát văn sẽ do các nghệ nhân hàng đầu
hiện nay thực hiện.
Cả nước
hiện còn 5 nghệ nhân lão thành, tuổi đời từ 80-90 tuổi sẽ truyền dạy hát văn,
đặc biệt là các bản hát cổ đã gần như thất truyền cho thế hệ sau trong hoạt
động thường xuyên của câu lạc bộ.
Ngay trong
lễ ra mắt câu lạc bộ, 5 nghệ nhân được tôn vinh và trao tặng danh hiệu "Nghệ
nhân dân gian" của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhằm ghi nhận tài năng
cũng như cống hiến của các cụ.
Trước đó,
Trung tâm bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã cho ra mắt câu lạc bộ bảo
tồn văn hóa đạo Mẫu. Nay có thêm câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt
Nam sẽ góp phần cùng phục hồi, duy trì, phát huy các giá trị đích thực của đạo
Mẫu, loại trừ dần các hình thức biến tướng, làm sai lệnh di sản độc đáo này.
Nghệ thuật
chầu văn là một loại hình âm nhạc diễn xướng gắn với tâm linh, tín ngưỡng của
người Việt, đến nay hát văn đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ
Hầu Thánh (hầu đồng, hầu bóng) trong văn hóa thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian
phổ biến và đặc sắc của Việt Nam.
Chầu văn đã
ra đời trong môi trường tín ngưỡng dân gian, hình thành phong cách âm nhạc độc
đáo, giàu bản sắc, tích hợp được các giá trị của nhiều hình thức âm nhạc dân
gian khác.
Chầu văn đã
được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành di sản
văn hóa của quốc gia.