Đặc sắc Lễ hội Sóng nước Tam Giang 2012
Cập nhật: 30/03/2012
Trong hai ngày 18 và 19/5/2012, UBND tỉnh Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) sẽ tổ chức Lễ hội Sóng nước Tam Giang lần thứ 2 năm 2012 nhằm gìn giữ, phát huy và quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chương trình khám phá biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012.

             Bình minh trên phá Tam Giang
Điểm nhấn của lễ hội là Lễ tế Bà Tơ được tổ chức vào sáng ngày 18/5 tại bến đò Quai Vạc bên sông Bồ nhằm tưởng nhớ người phụ nữ họ Trần đã có công cứu chúa Nguyễn thoát nguy trong một lần vượt phá Tam Giang. Lễ tế sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút với những nghi thức đậm nét văn hóa dân gian của cư dân vùng sông nước Quảng Điền. Sau phần tế lễ là lễ rước Bà Tơ, diễn xướng hát bả trạo – một loại hình văn hóa phi vật thể còn lưu lại ở một số làng quê của Quảng Điền, và đua thuyền trên sông Bồ.

Bên cạnh đó, với không gian chính là phá Tam Giang thơ mộng, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như: chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và bế mạc lễ hội được dàn dựng công phu, hoành tráng, mang tính nghệ thuật cao và thấm đượm bản sắc văn hóa dân gian của vùng đầm phá ven biển; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quảng Điền ngày mới”; hội chợ thương mại ẩm thực với hơn 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu các món ăn đặc trưng của vùng quê sông nước Quảng Điền; hội trại thanh niên với sự tham gia của gần 1.000 trại sinh; các trò chơi dân gian: kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, đổ nước vào chai, đi cà kheo, đi cầu kiều, bịt mắt đập om, ghép hình, nhảy dây, rước kiệu hoa…; các môn thể thao: vật võ truyền thống, đu tiên, bóng chuyền, đua ghe câu và tung chài trên phá Tam Giang... Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội sẽ có các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang được tổ chức để du khách có dịp tham quan, thưởng ngoạn.  

Phá Tam Giang là một trong hai đầm phá nước lợ lớn nhất, tiêu biểu nhất ở Việt Nam (cùng với đầm Cầu Hai ở Thừa Thiên – Huế). Phía bắc phá Tam Giang là cửa sông Ô Lâu, phía nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An. Phá Tam Giang có độ sâu từ 2 đến 4m, có nơi sâu tới 7m, diện tích mặt nước khoảng 52km². Hàng năm, người dân địa phương khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Những năm gần đây, vùng đầm phá Tam Giang còn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và trồng rau câu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Ngoài ra, phá Tam Giang còn ẩn chứa tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng đặc sắc, đa dạng với vực nước bao la, xanh thẳm, những đụn cát trắng xóa, những bãi lầy rộng lớn – nơi cư ngụ của nhiều loài chim – tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Nơi đây còn lưu giữ những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng với những địa danh như: thành cổ Hóa Châu, chợ Cồn Gai, chợ Đại Lược, làng tranh dân gian Sình, làng rượu Chuồn, chùa Linh Thái, chùa Túy Vân... hay các lễ hội dân gian truyền thống như: lễ hội cầu ngư An Truyền, hội vật Làng Sình, hội đua thuyền, đua thúng Lăng Cô…  

Lễ hội Sóng nước Tam Giang năm 2012 là cơ hội để Quảng Điền giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về tiềm năng văn hóa, du lịch gắn liền với nhiều di tích, sản vật độc đáo, hấp dẫn của địa phương, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động du lịch đầm phá phát triển. Các hoạt động tại lễ hội Sóng nước Tam Giang năm nay hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.  

Phạm Phương (TTTTDL)