Chỉ trong
10 ngày chính hội từ 01-10/3 âm lịch, Lễ hội Đền Hùng đã đón 6 triệu lượt du
khách. Điều đó thể hiện, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống, sức lan
tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Sáng 10/3
âm lịch (31/3), mặc dù tiết trời trở lạnh và có mưa song vẫn không ngăn được
bước chân của hàng triệu lượt đồng bào trẩy hội Đền Hùng. Lễ dâng hương tưởng
niệm các Vua Hùng đã diễn ra trọng thể tại Đền Thượng, trên đỉnh núi thiêng
Nghĩa Lĩnh đúng 7h30 sáng 10/3 âm lịch.
Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm;
lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố, lãnh đạo
Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ; đại diện Văn phòng UNESCO tại
Việt Nam cùng đông đảo Kiều bào và nhân dân các dân tộc từ mọi miền đất nước đã
tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ công lao các Vua Hùng.
Thay mặt
BTC lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc đọc Chúc văn khẳng định
ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ của dân tộc, ca ngợi công lao các Vua
Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các thế hệ người Việt Nam.
Bài Chúc văn cũng thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân ta với nguồn cội, qua
đó cổ vũ tinh thần yêu nước, thương nòi, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Mặc dù
lượng người về Đền Hùng đông nhưng nhờ sự chuẩn bị công phu, chu đáo, Lễ hội
Đền Hùng năm nay có sự tiến bộ về nhiều mặt.
Ngoài những
hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, Lễ hội Đền Hùng năm nay cũng đem đến cho
người dân mọi miền khi về với Đất Tổ những đặc sản văn hóa của vùng quê Phú
Thọ. Với mục tiêu tôn vinh di sản văn hóa, năm nay, tỉnh Phú Thọ tổ chức Liên
hoan tiếng hát làng Xoan tại sân Lễ hội đền Hùng. Tham dự liên hoan có 13
phường, CLB hát Xoan đến từ huyện Lâm Thao, Thanh Thuỷ, Phù Ninh, Đoan Hùng,
thành phố Việt Trì...
Đến Khu di
tích lịch sử Đền Hùng, dòng người kéo dài như vô tận, ai nấy đều thành kính,
trang nghiêm lên đền Thượng, xuống đền Trung, đền Hạ, đền Giếng thắp nén hương
thơm trước bàn thờ tổ tiên rồi say sưa hòa mình vào các trò chơi dân tộc và đắm
mình trong những điệu hát Xoan. Bà Nguyễn Thị Lịch, trùm phường Xoan An Thái
cho biết: “Sau khi hát Xoan Phú Thọ được vinh danh, câu Xoan trở thành món ăn
tinh thần không thể thiếu của người dân đất Tổ và du khách khi đến với Đền
Hùng”.
Cùng với
hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang trên lộ trình chinh phục danh
hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng đã khẳng định
“thương hiệu” của mình trong Lễ hội đền Hùng năm nay. Ngoài ra, lễ rước kiệu của 8
xã vùng ven về Đền Hùng ngày 29/3 (8/3 âm lịch) là minh chứng rõ nhất khẳng định
tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được cộng đồng bảo vệ, giữ gìn.
Ở phía tây
nam của khu di tích, xã Thanh Đình còn lưu giữ rõ nét tín ngưỡng thờ thần tự
nhiên, thờ lúa, thờ thần nông nghiệp và nhân thần có công với nước qua các lễ
hội như: “Lễ rước giải”, rước “ông khiu bà khiu”, “lễ tế thánh”, lễ “hú cờ”...