Huế đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc trùng tu di tích
Cập nhật: 04/04/2012
Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Ba Lan, cùng các nguồn tài trợ khác từ chính phủ Luých-xăm-bua, CHLB Đức... để triển khai công tác trùng tu hệ thống di tích cố đô.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho biết như vậy.

Theo đó, trong năm 2012, Trung tâm sẽ tăng cường việc quảng bá để kêu gọi đầu tư, bằng việc phối hợp nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn, hoặc các dự án hợp tác với các đối tác như: Viện Di sản Đại học Waseda, Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Di sản Quốc gia thành phố Gyeongju-Hàn Quốc; Tổ chức GCREP-Đức, Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội... Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác với Cục Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm đã phối hợp với Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Gyeongju - Hàn Quốc tổ chức trưng bày cổ vật triều Nguyễn tại các thành phố Seoul và Gyeongju với chủ đề "Báu vật Triều Nguyễn ở Việt Nam" nhằm quảng bá giá trị văn hóa Huế, thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước đối với di sản văn hóa Huế. Trung tâm còn tổ chức biểu diễn trưng bày các hoạt động biểu diễn nghệ thuật giao lưu quốc tế với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc... để tạo sức lan toả trong việc kêu gọi đầu tư bảo tồn di tích, kể cả văn hoá vật thể và phi vật thể.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, cùng tìm hiểu và lập đề án bảo tồn tôn tạo một số công trình di tích tiêu biểu để đăng ký nguồn hỗ trợ tín dụng của chính phủ Ba Lan dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực về kinh tế xã hội và văn hoá.

Được biết, hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hiện đã có quan hệ hợp tác - đối ngoại với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ, tiếp nhận sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật, tri thức khoa học trong trùng tu di tích. Trong đó, nổi bật là những chương trình hợp tác lớn như: Bảo tồn trùng tu Ngọ Môn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, chương trình nghiên cứu di tích Huế và nghiên cứu phục nguyên Điện Cần Chánh phối hợp với Viện Di sản Đại học Waseda - Nhật Bản, dự án bảo tồn Nhã nhạc do Chính phủ Nhật Bản tài trợ uỷ thác qua UNESCO, dự án bảo tồn phục hồi nội thất ở cung An Định (CHLB Đức tài trợ), dự án đào tạo kỹ thuật và trùng tu Lăng Tự Đức...
CINET