Chính thức khai mạc Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ và Festival Huế 2012
Cập nhật: 09/04/2012
Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ và Festival Huế 2012 đã khai mạc trọng thể vào lúc 20h00 tối ngày 7/4/2012 tại Quảng trường Ngọ Môn. Sự kiện do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã tới dự và có bài phát biểu tại lễ khai mạc.


Ðến dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavad; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia; Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước; Ðại sứ quán và tổng lãnh sự của các nước có đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng hàng vạn du khách và nhân dân địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia hôm nay là một trong những sự kiện khởi đầu trong việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chủ trương xây dựng ngành du lịch quốc gia theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đánh giá du lịch Việt Nam đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP và đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới, nỗ lực phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12% năm; đến năm 2020 đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 48 triệu lượt du khách trong nước, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 20 tỷ USD, tạo ra 3 triệu việc làm, đóng góp khoảng 7% GDP cả nước.

Vùng đất duyên hải Bắc Trung Bộ trải dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, giá trị nhân văn và tiềm năng phát triển du lịch. Các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng đã không ngừng nỗ lực vượt mọi khó khăn để vươn lên trở thành một vùng có kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đó vẫn chưa tương xứng với yêu cầu và tiềm năng phát triển. Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch di sản” sẽ là cơ hội cho cả vùng phát huy thế mạnh về di sản văn hóa để phát triển du lịch – một ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị kinh tế cao.

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức thành công liên tiếp các kỳ Festival với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cội nguồn, tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản quý báu mà ông cha ta đã dày công xây dựng và từng bước trở thành một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc. Festival Huế là dịp để bạn bè khắp năm châu hội tụ, trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình để từ đó mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, các địa phương trong vùng cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành của Trung ương phát huy tốt nhất các lợi thế và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè trong và ngoài nước, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để tập trung tổ chức thành công các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012; từng bước khẳng định thành phố Huế là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival của Việt Nam.

Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ để tạo ra nguồn lực tổng hợp, phát huy lợi thế so sánh và kinh nghiệm của từng địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng có sức cạnh tranh cao. Các sản phẩm du lịch vùng duyên hải Bắc Trung Bộ cần tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa – một thế mạnh đặc thù không nơi nào có thể sao chép được. Liên kết triển khai xúc tiến thương mại và quảng bá, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch của cả vùng, trở thành điểm đến tầm khu vực và quốc tế…

Năm nay, Festival Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” là điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012. Diễn ra trong 2 giờ đồng hồ, lễ khai mạc với chương trình nhạc hội được dàn dựng công phu đã thực sự đem đến cho các vị khách trong nước và quốc tế một bữa tiệc ánh sáng lung linh, pháo hoa rực rỡ và các màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ. Tại đây, các giá trị di sản và truyền thống văn hóa vùng đất duyên hải Bắc Trung Bộ đã hội tụ với những sắc màu văn hóa đặc sắc của bạn bè quốc tế.

Với sự tham gia của 40 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 28 quốc gia của 5 châu lục và 25 đoàn nghệ thuật trong nước, trong suốt thời gian diễn ra Festival Huế từ ngày 7-15/4/2012, nhân dân và du khách trong, ngoài nước sẽ được thưởng thức nhiều lễ hội độc đáo và các chương trình cộng đồng phong phú, đa dạng được tổ chức trải khắp địa bàn thành phố và các huyện thị trên toàn tỉnh. Cùng với đó là những hoạt động hưởng ứng Festival như triển lãm, hội nghị, hội thảo, tọa đàm với chủ đề phát triển văn hóa, du lịch...




                                                                                                                 Truyền Phương