Festival
Huế 2012 sẽ xây dựng không gian quãng diễn mới hơn, rộng hơn, đặc sắc hơn nhằm
thu hút du khách đến với sự kiện văn hóa độc đáo của Việt Nam.
|
Sân khấu Lễ hội Trống và Nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt.” |
Đến thời
điểm hiện tại, mọi công việc chuẩn bị cho Festival Huế 2012 - điểm nhấn trong
Năm du lịch Quốc gia Bắc Trung bộ - Huế năm nay - đã sẵn sàng.
Ban Tổ chức
Festival Huế 2012 cho biết lễ hội được tổ chức từ ngày 7-15/4 với sự tham gia
của hơn 40 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ quốc tế từ 30 quốc gia trên cả 5
châu lục chính thức tham gia.
Năm nay,
lần đầu tiên châu Phi có đoàn nghệ thuật của Senegal
và Cote d'Ivoire
tham gia Festival Huế. Trong nước sẽ có sự góp mặt của gần 20 đoàn nghệ thuật. Vào
tối 7/4, Quảng trường Ngọ Môn sẽ là sân khấu chính cho đêm khai mạc Năm du lịch
Quốc gia và Festival Huế 2012.
Trải qua 6
kỳ Festival Huế, Ngọ Môn đã trở thành biểu trưng của Huế với vẻ đẹp kiến trúc
cung đình mang tính dân tộc hòa quyện trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong đêm
hội, Ngọ Môn càng trở nên lộng lẫy hơn khi các hồ sen và những cây lưu niên được
trang hoàng bởi những ánh điện lung linh đủ màu sắc.
Năm nay,
sân khấu nơi sân Bia Quốc Học sẽ có ba khán đài với sức chứa hơn 3.000 người sẽ
là nơi tổ chức Lễ hội Áo dài trong hai đêm 9 và 11/4 với chủ đề "Hoa sen
trong hội họa." Dự kiến Lễ hội Áo dài sẽ trình diễn hơn 300 mẫu áo dài của
các nhà thiết kế nổi tiếng, với sự hội tụ của 150 người mẫu hàng đầu đến từ Hà
Nội, Huế, TP. HCM. Đặc biệt Lễ hội Áo dài còn có sự tham gia của các Hoa hậu
Việt Nam Mai Phương Thúy, Trần Thị Thùy Dung và Đặng Thị Ngọc Hân.
Lý giải về
việc chọn không gian sân khấu này, các nhà tổ chức cho biết bởi Bia Quốc Học
Huế là nơi ghi dấu, lưu giữ tên tuổi những nhân tài của trường Quốc Học Huế
xưa, góp phần làm rạng danh đất nước.
Bên dòng
sông Hương thơ mộng (khoảng giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân) sẽ là sân
khấu lễ hội "Thiên hạ thái bình," là một trong những lễ hội chính và
lần đầu tiên được tổ chức tại Festival Huế.
Lễ hội được
xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của cả nhân loại và cũng là
của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm
trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, và cuối cùng khát
vọng đó thành hiện thực với một đất nước thống nhất, thái bình, nhân dân no ấm.
Sân khấu
"Thiên hạ thái bình" được thiết kế nổi trên sông Hương, với phần
trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu long tranh châu (một bảo vật của Huế, cũng là
biểu tượng của năm Rồng) và hậu cảnh là cầu Trường Tiền duyên dáng sẽ trở thành
tâm điểm thu hút du khách.
Festival
Huế 2012 còn có các chương trình Lễ Tế Giao vào 20h ngày 8/4, tại đàn Nam Giao
gồm hai phần lễ dâng hương trên đàn tế và diễn xướng sân khấu hóa tái hiện nghi
lễ Tế Giao dưới thời nhà Nguyễn để phục vụ du khách và cộng đồng diễn ra từ
Trai cung đến đàn tế.
Chương
trình Đêm Hoàng cung (19h30 các ngày 10 và 13/4, tại Hoàng cung Huế) tái hiện
vẻ đẹp lung linh của Hoàng cung về đêm gắn với các sinh hoạt văn hóa trong cung
cấm xưa.
Lễ hội
trống và nhạc cụ gõ "Âm vang hào khí Việt" (16h các ngày 11 và 14/4,
tại Nghinh Lương Đình) là chương trình được dàn dựng bằng những màn biểu diễn
trống và nhạc cụ gõ.
Đêm phương
Đông (20h các ngày 8, 10, 12, 13, và 14/4, tại sân điện Thái Hòa) là nơi hội tụ
bản sắc châu Á qua phần trình diễn trang phục truyền thống của các nước Nhật
Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia và Việt
Nam.
Ngoài các
lễ hội chính, liên tục trong các ngày 8 -12/4, vào lúc 16h, trên các tuyến
đường Hùng Vương, Lê Lợi, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hưng Đạo (thành phố Huế) sẽ
diễn ra lễ hội đường phố với các chương trình âm nhạc, múa... quy tụ các đoàn
nghệ thuật đến từ các nước Đông Á và Mỹ Latinh.
Lễ bế mạc
diễn ra vào 20h ngày 15/4 tại quảng trường Phu Văn Lâu - Kỳ đài, kết hợp nghệ
thuật pháo hoa và thả hoa đăng trên sông Hương.
Ông Ngô
Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban
Tổ chức Festival Huế 2012 cho biết năm nay, lễ hội xây dựng không gian quãng
diễn mới hơn, rộng hơn, đặc sắc hơn với mong muốn vừa tôn vinh được những giá
trị văn hóa phi vật thể đặc sắc được nghệ thuật sân khấu hóa, vừa tạo điều kiện
cho cộng đồng cũng như du khách thưởng thức, chạm được vào trái tim họ, thu hút
họ đến với lễ hội ngày càng đông.
Đặc biệt,
lễ hội còn đưa các chương trình nghệ thuật quốc tế về các thị trấn, huyện lỵ,
đến cả Bệnh viện Trung ương Huế, phục vụ các bệnh nhân, chiến sỹ, công nhân… để
người dân biết đến nghệ thuật phương Tây và quốc tế, bởi suy cho cùng, người
dân vẫn là chủ thể của lễ hội.
Để chuẩn bị
phục vụ cho Festival Huế 2012, trong thời gian qua, Thừa Thiên-Huế đã đầu tư
xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khách sạn phục vụ cho lễ hội.
Toàn ngành
du lịch có 535 cơ sở lưu trú với 9.600 phòng, gần 17.000 giường, trong đó khách
sạn có hạng từ 1-5 sao chiếm 68% tổng số buồng phòng, đáp ứng được nhu cầu và
chất lựơng phục vụ khách du lịch đến với Huế.
Các ngành
liên quan, các doanh nghịêp du lịch cũng đang tăng cường về công tác vệ sinh an
toàn thực phẩm, thanh kiểm tra về chất lượng cũng như giá cả trong mùa cao điểm
này.
Một số
doanh nghiệp, khách sạn, đơn vị lữ hành du lịch còn chuẩn bị các chương trình
tour mới, tăng thêm các hoạt động dịch vụ, ẩm thực để phục vụ khách. Đồng thời,
đội ngũ nhân viên phục vụ được bồi dưỡng nâng cao nghịêp vụ và ý thức trách
nhịêm về phục vụ lễ hội.
Tháng Tư
cũng là mùa cao điểm đón khách quốc tế, đây cũng là lúc bắt đầu đón lượng du
khách Thái Lan đến du lịch miền Trung, do vậy công suất sử dụng buồng phòng ở
hầu hết các khách sạn 3-4 sao đạt 80%-90%. Trong đó, tour đầu tiên của Festival
lượng khách đăng ký ở nhiều khách sạn đạt gần 100%; tuy nhiên sẽ không có tình trạng
nâng giá, cháy phòng như quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề ra...