Tiếp nối thành công của 2 chương trình “Huyền thoại sông
Hương” và “Hành trình mở cõi” đã được tổ chức tại các kỳ Festival Huế trước,
trong khuôn khổ Festival Huế 2012 sẽ diễn ra chương trình sân khấu hóa lễ hội “Thiên
hạ thái bình” vào 20h00 tối 12/4 tại sân khấu nổi trên sông Hương với phần
trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế, cũng là biểu tượng
của năm Rồng) và hậu cảnh là cầu Trường Tiền.
Đây là một trong những chương trình trọng điểm của Festival
Huế 2012, được tổ chức hoành tráng nhằm giới thiệu di sản thơ đồ sộ và rất có
giá trị trên các di tích của cố đô Huế; tiếp tục bảo lưu, kế thừa và phát huy
những giá trị văn hóa phi vật thể đã được công nhận; khẳng định truyền thống lịch
sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; đồng thời quảng bá vẻ đẹp của dòng sông Hương
thơ mộng.
Được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng của dân tộc Việt
Nam và cũng là của cả nhân loại về một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình,
nhân dân ấm no, hạnh phúc, thông qua nghệ thuật diễn xướng, chương trình sân
khấu hóa lễ hội Thiên hạ thái bình sẽ làm nổi bật tính thống nhất toàn vẹn lãnh
thổ và cuộc sống thái bình của một đất nước độc lập trong diễn trình lịch sử
của dân tộc.
Chương trình sẽ lựa chọn những bài thơ hay nhất của những
thi nhân nổi tiếng Việt Nam đầu thế kỷ 19, đã được tuyển chọn và khắc trên các
kiến trúc cung đình Huế để làm mạch dẫn cho vở diễn dài 3 chương 9 hồi với các
chủ đề: “Nước ngàn năm văn hiến” (chương 1), “Muôn dân hưởng thái bình” (chương
2) và “Thịnh vượng một trời Nam” (chương 3).
Ngoài phần trình diễn trên sân khấu chính, trên mặt sông
Hương sẽ có các ghe chở hoa đăng, thả hoa đăng di chuyển, thả đèn lồng, sắp đặt thành những
mô hình khác nhau, tạo nên một không gian lộng lẫy, nhiều màu sắc. Ngoài ra,
các phần âm nhạc, khói lửa, pháo hoa, ánh sáng… cũng sẽ được gắn kết để hỗ trợ
cho các nội dung trình diễn.
Hiện nay, ở cố đô Huế có khoảng 4.000 đơn vị thơ ca chữ Hán
được khắc chạm trên các di tích. Đặc biệt, tại điện Thái Hòa có khắc 191 bài
thơ ngũ ngôn với các chủ đề chính như: khẳng định nền độc lập, nền văn hoá dân
tộc; ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị, trăm họ yên vui; ca ngợi vẻ đẹp của
Huế, của đất nước…
Với sự kết hợp hài hòa giữa thi - ca - nhạc - họa cùng vẻ
đẹp long lanh, huyền ảo của dòng Hương Giang trong đêm, lễ hội Thiên hạ thái
bình sẽ đưa du khách vào một thế giới lung linh, tuyệt đẹp và đầy chất lãng
mạn, trữ tình.
Phạm Phương (TTTTDL)