Dân tộc Dao có khoảng 62.000 người chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái. Người Dao sống chủ yếu ở huyện Văn Chấn và Văn Yên. Với nam nữ thanh niên người Dao đỏ, mùa xuân, mùa hoa nở là mùa cưới của họ.
Đối với người con trai khi chọn được người mình yêu thích sẽ về nói với bố mẹ để hai bên gia đình được biết. Sau khi được gia đình nhà gái đồng ý, gia đình nhà trai đem lễ vật đến nhà cô dâu. Lễ vật gồm: hai con gà trống, mười chai rượu, gạo nếp và tiền mặt để gia đình nhà gái mua một số vật dụng cho đám cưới.
Sau khi nhờ thầy cúng chọn được ngày lành tháng tốt, trước khi về nhà chồng cô dâu phải may đồ cưới và sắm những thứ cần thiết để làm của hồi môn. Thời gian chuẩn bị cho đám cưới có khi phải kéo dài cả một năm khi nào cô gái chuẩn bị đủ vật dụng về nhà chồng đám cưới mới được tiến hành.
Đám cưới kéo dài hai hoặc ba ngày. Trong ngày cưới, gia đình nhà trai không đến rước dâu, ngày đầu họ hàng nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng, hướng dẫn cách vào nhà chồng tuỳ theo từng thời điểm lúc đến. Khi vào nhà chồng cô dâu phải bước qua dải lụa hoặc vải. Từ một đến ba giờ chiều thì phải bước vào hướng cửa đông, từ 5 đến 7 giờ chiều thì bước vào hướng cửa bắc. Nếu các hướng đó không có cửa thì phải phá vách để vào nhà.
Trước ngưỡng cửa nhà, thầy cúng đặt một bồn nước sạch để cô dâu bước qua, lúc này chú rể phải lánh mặt sang nhà bên cạnh chờ khi các thủ tục đón và làm lễ cho cô dâu xong mới được gọi về. Sau khi hoàn tất các thủ tục đón dâu, gia đình chú rể dâng lên tổ tiên một con gà giò là gia đình đã có thêm một thành viên mới.
Thầy cúng giăng một sợi giây đỏ nối liền vai đôi vợ chồng mới và khấn vái với tổ tiên chứng giám, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Trong tiệc cưới, phía gia đình cô dâu không dự tiệc chung với gia đình chú rể, cô dâu phải ở lại bên nhà chồng. Ngày thứ hai là ngày biếu tặng thức ăn cho những người dự đám cưới, số lượng thức ăn nhiều hay ít tuỳ thuộc theo vai vế của người đó với chủ nhà. Ngày thứ ba cô dâu theo chồng về lại mặt gia đình.