Được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, với sự đa dạng về mặt địa lý, Khánh Hòa từ lâu đã trở thành điểm du lịch lý tưởng, có sức hút đặc biệt với du khách. Đặc biệt trong những năm gần đây, việc gắn kết phát huy tài nguyên văn hóa với du lịch nhằm phát triển loại hình du lịch nhân văn ở xứ Trầm Hương đang được quan tâm khai thác.
Khánh Hòa là vùng đất giàu tài nguyên văn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu, tại đây đã từng tồn tại nền văn hóa Xóm Cồn xuất hiện trước cả văn hóa Sa Huỳnh. Nơi đây, ngày nay vẫn còn sừng sững khu tháp cổ thờ Bà mẹ xứ sở Pô Nagar - khu Tháp Bà (Nha Trang) nằm trên đỉnh hòn Cù Lao thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thuộc loại lớn nhất trong hệ thống đền tháp Chămpa tại Việt Nam.
Ngoài Tháp Bà, ở Khánh Hòa còn có nhiều di tích văn hóa Chămpa như bia Võ Cạnh có niên đại khoảng thế kỷ III-VI sau công nguyên, là tấm bia cổ vào bậc nhất nước ta và Đông Nam Á; miếu Ông Thạch... Có thể khẳng định, trong số những di tích văn hóa Chămpa còn lại đến ngày nay ở Khánh Hòa thì khu di tích Tháp Bà Nha Trang là di tích tiêu biểu nhất và quan trọng nhất về các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc và bia ký.
Cùng với các di sản văn hóa vật thể đó là những di sản văn hóa phi vật thể có bản sắc riêng trong dòng văn hóa dân tộc mà tiêu biểu là truyền thuyết về nữ thần Pô Nagar - Bà mẹ xứ sở, là lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, là điệu múa bóng dâng Bà đã đi vào câu ca: "Ai về Xóm Bóng quê nhà/ Hỏi thăm điệu múa dâng Bà còn không?".
Dấu vết thành lũy Diên Khánh nay còn lưu lại chứng tích một công trình văn hóa vật thể đã được cha ông ta xây dựng khi bắt đầu hình thành phủ Thái Khang và Diên Ninh trấn giữ vùng Nam Trung bộ, khai điền, lập ấp, mở rộng bờ cõi cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc về phương Nam. Hệ thống đình chùa, miếu mạo khắp các thôn làng trong vùng đất Khánh Hòa vẫn còn lưu giữ để tôn vinh thờ cúng những vị tiền hiền, hậu hiền đã có công giúp nhân dân làm ăn sinh sống. Hệ thống nhà thờ họ của người dân là biểu hiện của nỗi nhớ về cội nguồn quê hương đất nước, chim có tổ, người có tông, mà cùng nhau gìn giữ thanh danh truyền thống cho gia đình, dòng họ của mình, cùng nhau giáo dục làm điều thiện, tránh điều ác, làm rạng rỡ tông danh dòng họ, kẻ hậu sinh luôn nhớ về công đức của các bậc tiền bối. Hệ thống chùa chiền Phật giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin Lành... trải rộng khắp vùng lãnh thổ Khánh Hòa góp phần giáo dục con người làm điều hay lẽ phải, tránh điều dữ, điều ác, góp phần hoàn thiện con người trong xã hội hướng tới cái "Chân - Thiện - Mỹ ".
Tuy nhiên, muốn nâng cao chất lượng hoạt động loại hình du lịch nhân văn này, điều đặc biệt quan trọng là phải có nguồn nhân lực có chuyên môn, am hiểu sâu sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt tình yêu với vùng đất, con người địa phương. Đồng thời cần thiết kế các tour du lịch dài ngày để du khách vừa được nghỉ dưỡng, lưu trú và cùng sinh hoạt tại nhà của người dân địa phương hay trong các làng sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm được điều đó sẽ giúp du khách, nhất là khách nước ngoài có đủ thời gian để trải nghiệm và hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa vốn có của địa phương. Việc đưa các giá trị văn hóa tộc người vào hoạt động du lịch nhân văn nhằm góp phần giao lưu văn hóa, đặc biệt là nâng cao ý thức xã hội trong việc bảo tồn văn hóa.