Tính đến nay, tỉnh Hà
Giang đã có 46 làng văn hóa du lịch (VHDL) đã và đang được triển khai xây dựng
thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó 29 làng đã được hoàn thiện đưa
vào hoạt động; chủ yếu là các làng của dân tộc Dao, Tày (13 làng), Mông (6
làng) và một số làng dân tộc khác.
Thực tế trong thời
gian qua, phần lớn các làng VHDL cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa hoạt động có
hiệu quả. Nguyên nhân do việc lựa chọn, đầu tư xây dựng chưa có sự đồng bộ,
kinh phí triển khai xây dựng ở nhiều khu vực còn hạn chế, đầu tư hỗ trợ dàn
trải; chưa đảm bảo các điều kiện phục vụ, thu hút du khách như: cơ sở hạ tầng,
cảnh quan, vệ sinh môi trường, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp…
Trong năm 2012, ngành du lịch Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng
11 làng VHDL cộng đồng, phấn đấu đến năm 2015 có 60% làng hoạt động hiệu quả.
Mục tiêu đến năm 2015, mỗi huyện, thành phố sẽ xây dựng được từ 3 - 4 làng dựa
trên tiêu chí: đường giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng đảm bảo đầy đủ phục
vụ khách du lịch; cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; người dân phát huy tính
cộng đồng trong khai thác và phát triển du lịch…
Ông Hoàng Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh, cho biết: Mục tiêu đặt ra
trong công tác xây dựng các làng VHDL cộng đồng là phải mang tính bền vững cả
về khía cạnh văn hóa lẫn môi trường, bảo tồn và phát huy được những nguồn lực
tài nguyên nhân văn - xã hội. Sở luôn chú trọng đến công tác quản lý nhà nước,
lập kế hoạch thường xuyên khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng các làng VHDL
cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án quy hoạch tổng thể
phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030; xây dựng
làng VHDL cộng đồng gắn liền với việc tuyên truyền gìn giữ, phát huy bản sắc
văn hóa truyền thống. Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ,
nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, trang
bị những kiến thức, kĩ năng cơ bản cho người dân khi tham gia vào phát triển
các dịch vụ du lịch…