Gia Lai là mảnh đất giàu về
bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống với nhiều loại hình phong phú và đa dạng
luôn gắn liền với cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số từ ngàn đời
nay, điển hình là các lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, nhà mồ và tượng nhà
mồ, nhà rông...và nhiều di tích lịch sử văn hoá, di tích khảo cổ học đã phản
ảnh khá toàn diện về sự tồn tại và phát triển của cộng đồng mang tính nhân văn
sâu sắc.
Gia Lai là
một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên với 2 tộc người chính là Jrai và
Bahnar, chiếm gần 1/2 dân số toàn tỉnh với khoảng 600.000 người. Các di sản văn
hóa dân tộc ở Gia Lai đã được các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng
gìn giữ và phát huy giá trị, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây
nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân
loại. Hiện nay, tỉnh còn lưu giữ được khoảng 6.000 bộ cồng chiêng và trong đó
có rất nhiều bộ chiêng cổ có giá trị; có những buôn làng dân tộc còn lưu giữ
được cả chục bộ cồng chiêng.
Công tác nghiên cứu văn hoá dân tộc cũng luôn được quan tâm đúng mức. Tỉnh đã
xuất bản được nhiều công trình có giá trị như Kỷ yếu nghệ thuật cồng chiêng, hoa
văn các dân tộc Jrai - Bahnar, nhạc khí dân tộc, nhà mồ và tượng nhà mồ Bắc Tây
nguyên... Tỉnh sưu tầm và biên dịch được 4 sử thi dịch ra song ngữ Việt - Jrai
và Việt - Bahnar, trong đó đã xuất bản thành sách 2 sử thi có giá trị là Dyông
Dư và Bia Brâu (vòng đời của con người); phục dựng lễ đón năm mới của người
Bahnar, phục dựng và làm phim tư liệu về thần Vua Lửa ở huyện Phú Thiện; mở
nhiều lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian. Đáng kể nhất là
công tác bảo tồn phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số đã được
tiến hành suốt trong hơn 30 năm qua, là cơ sở khoa học cho việc biên soạn và
giảng dạy song ngữ (Việt - Bahnar và Việt Jrai) ở bậc học THPT và các trường
dân tộc nội trú. Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục chỉ đạo biên soạn giáo trình
và tổ chức giảng dạy tiếng Jrai - Bahnar cho cán bộ công chức trong tỉnh, góp
phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển ngôn ngữ của các tộc người.
Vế các di sản văn hoá vật thể, hiện tỉnh đã tổ chức sưu tầm, bảo quản, trưng
bày hơn 7.000 hiện vật về khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử của địa phương,
trong đó có hàng trăm hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá dân tộc đang được
trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Tỉnh còn lưu giữ và bảo tồn 13 di tích và cụm di
tích lịch sử - văn hoá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận,
4 di tích và cụm di tích đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, điển hình có di
tích lịch sử Plei Ơi, An Khê đình, An Khê trường, Kho tiền Bok Nhạc...