Vườn Quốc gia Cát
Tiên có tổng diện tích là 70.548ha, nằm trên địa phận ba tỉnh: Đồng Nai,
Lâm Đồng và Bình Phước. Trụ sở Vườn quốc gia nằm trên huyện Tân Phú -
Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 150km theo quốc lộ 20.
|
Nhà tiếp đón du lịch cộng đồng Tà Lài tại Vườn Quốc gia Cát Tiên
|
Vườn Quốc gia có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, bao gồm: đồi, bãi ven sông, các
dòng chảy dốc... Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng
thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co,
lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên.
Hệ
thực vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên có hơn 1.362 loài thực vật bậc cao,
hơn 440 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây dược liệu, 133 loài hoa
phong lan, có nhiều cây cổ thụ như bằng lăng, gỗ đỏ… Về động vật, có 62
loài thú, 121 loài côn trùng, có 208 loài chim và có những loài chim quý
hiếm như công, trĩ, gà lôi, sếu, giang, mòng, két, le le, cù đen…
Ở
Vườn quốc gia Cát Tiên có 2 cộng đồng dân tộc bản địa là Mạ và S’tiêng
với những nét sinh hoạt còn đậm tính truyền thống, một kho tàng văn hoá
đặc trưng như: lễ hội đâm trâu, những truyện cổ, truyền thuyết, huyền
thoại độc đáo, những nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hoá và tâm linh
như: bộ cồng chiêng, trống, khèn bầu, tù và, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái
bầu khô…
Với
những tiềm năng như vậy, du lịch cộng đồng có thể được xem như một
phương cách hữu hiệu để góp phần xoá đói nghèo tại địa phương, tạo sinh
kế ổn định cho người dân, giúp giảm sức ép và sự phụ thuộc vào các nguồn
tài nguyên thiên nhiên và giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi
trường cảnh quan và góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân
tộc.
Với
thực trạng hiện nay, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc
sinh sống trong địa bàn Vườn quốc gia Cát Tiên như dệt thổ cẩm, đan lát,
gùi… đang dần bị mai một, thì việc khôi phục nghề dệt để sản xuất các
sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch sẽ góp phần quan trọng không
những gìn giữ nghề truyền thống mà còn tạo thêm việc làm cho đồng bào
dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trong
khuôn khổ dự án phát triển Du lịch sinh thái tại các Khu bảo tồn ở Việt
Nam do WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) triển khai từ năm 2008 với
đối tác thực hiện là Vườn quốc gia Cát Tiên, Nhà tiếp đón du lịch cộng
đồng Tà Lài đã được khánh thành ngày 15/02/2012 tại xã Tà Lài, huyện Tân
Phú, tỉnh Đồng Nai. Nhà đón tiếp khách du lịch cộng đồng Tà Lài có diện
tích 125m2 và được xây dựng hoàn toàn bằng những vật liệu thân thiện
với môi trường như tre, gỗ, lá kè, mây. Công trình là kết quả lao động
của cộng đồng người dân Mạ, S’tiêng và Tày cùng các chuyên gia nghiên
cứu về du lịch của tổ chức WWF Việt Nam.
Đây là một tiền đề tốt đẹp để phát triển và mở rộng các hoạt động du
lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân
sinh sống ở trong và xung quanh khu bảo tồn.
Ngoài
việc hỗ trợ xây dựng nhà đón tiếp khách du lịch cộng đồng, tổ chức WWF
còn hỗ trợ cho Vườn quốc gia Cát Tiên xây dựng trang web
www.cattiennationalpark.vn / www.namcattien.vn; tổ chức các lớp đào
tạo, nâng cao kỹ năng quản lý cho nhân lực Vườn quốc gia Cát Tiên; hướng
dẫn người dân ở các bản dân tộc ít người tại địa phương tham gia các
lớp đào tạo, tham quan để học về kỹ năng phục vụ du lịch (như: biểu diễn
cồng chiêng, múa hát dân tộc, lễ tân, nấu ăn, kỹ năng hướng dẫn du
lịch, dệt thổ cẩm, thí điểm mô hình trồng rau sạch, xây dựng kế hoạch
kinh doanh…); xây dựng Chiến lược phát triển du lịch sinh thái cho Vườn
quốc gia Cát Tiên giai đoạn 2011- 2015; cải thiện hệ thống bản đồ du
lịch; in ấn tài liệu giới thiệu cho khách du lịch biết đến khu du lịch
này…
WWF
(Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) là một trong những tổ chức phi chính
phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên. Những năm qua, tổ chức đã
hỗ trợ Việt Nam trong rất nhiều dự án liên quan tới công tác bảo vệ động
vật, thực vật, rừng, cảnh quan, nước, nền đất và những nguồn tài nguyên
thiên nhiên.
Lượng
khách du lịch đến vườn quốc gia Cát Tiên mỗi ngày lại tăng thêm, khẳng
định hiệu quả của các dự án mà WWF đã thực hiện mang lại. Đó là một tiền
đề tốt đẹp để WWF-Việt Nam
tiếp tục phát triển và mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái gắn liền
với bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống ở trong và
xung quanh các khu bảo tồn.
Hương Lê (TTTTDL) biên tập